Kỷ niệm 10 năm nghệ sĩ ra đi tại Sceaux, ngoại thành Paris, do các thân hữu tổ chức đêm 11 tháng 6, 2011. Nhà hát thành phố không lớn nên số vé đủ chật rạp (500 người ?).

Ngoài Khánh Ly từ Mỹ , có một số nghệ sĩ từ trong nước sang. Chỉ là người đi xem, tôi không làm phóng sự về đêm nhạc, mà chỉ có vài ý nghĩ về Trịnh Công Sơn và thế hệ của tôi.

Về tầm vóc, nhạc của anh ảnh hưởng mạnh trên tuổi trẻ chúng tôi, thế hệ lớn lên trong chiến tranh. Tôi đã đi qua những con đường đắp mô, những chiếc cầu sụp đổ vì mìn, những làng mạc ra tro, những khu phố ngập lửa, nhưng chúng tôi không đủ ngôn từ để diễn tả cái đau, cái sót của người Việt Nam. Chúng tôi không thấy cái tủi, cái hờn của bà mẹ nhìn xác con tan nát. Anh đã nói hộ chúng tôi, hay hơn, anh có thơ có nhạc làm thấm thía nỗi buồn. Ở vào thời điểm ấy, chúng tôi « thấy » chiến tranh trước khi « nghe » anh kể chiến tranh. Tiếng đại bác bắn đi hay bay vào thành phố là một hoạt cảnh bình thường, nhưng Đại Bác Ru Đêm là một câu hò cay đôc. Nó làm người nghe ngẩn ngơ và nhận ra rằng đâu đây, cuộc chiến phi lý không lối thoát này đang là vấn nạn hoành hành quê hương.

Trước 75, nhạc của anh bị cấm tại miền Nam, cấm nhưng không triệt để. Những băng Khánh Ly vẫn được phát hành không chính thức. Sau 75, nhiều bài hát bị cấm cả hai miền. Ra hải ngoại chưa bao giờ những bài này (Ca Khúc Da Vàng) được phổ biến hay hát lại, vả lại người ta cũng không được hát thoải mái nơi công chúng.

Đêm nay lần đầu tiên tôi được nghe lại Ca Khúc Da Vàng do Khánh Ly hát. Giọng chị đã sa sút ít nhiều với tuổi, nhưng độ “thẩm thấu” vẫn còn. Một cây đàn guitare, một giọng hát làm rền vang lại tiếng bom, tiếng mìn, tiếng đại bác. Và tuổi trẻ tôi, tuổi trẻ của nhiều người đêm nay đang tham dự bổng như ùa về, dữ dội. Nước mắt tôi trào ra, không cầm lại được, như lần đầu ngồi hát với bạn bè những bài « Tình ca không có hạnh phúc » như lối nói của Nguyễn Đình Toàn trong băng Khánh Ly-TCS trước 75.

Đại Bác Ru Đêm

Tôi Sẽ Đi Thăm

Đóa Hoa Vô Thường

Như Một Lời Chia Tay

Giọt Nước Mắt Cho Quê Hương

Đường Xa Vạn Dặm