PHẦN MỘT

Lời mở đầu

Như một tuần hoàn bất biến của vũ trụ, mùa Xuân lại trở về với chúng ta.

Những ngày đón xuân háo hức bồng bột của thời trai trẻ đã được thay thế bằng sự trầm tĩnh chín chắn của tuổi “tri thiên mệnh”, bằng niềm vui lâng lâng khi thấy thế hệ sau bắt đầu trưởng thành, bằng nỗi hân hoan vì đã nối lại tình thân với những người bạn cũ. Và cũng để ý thức rằng mỗi ngày là một mùa Xuân, mỗi ngày đến là một tặng vật của đất trời. Đón Xuân, là đánh dấu vào cột thời gian, một dấu mốc mới cho chúng ta gửi gấm niềm tin yêu từ đấy để thăng hoa. Vì thế, dù bận bịu đến đâu, hãy ngừng tay để nhìn lại nhau và để nhìn lại chính mình.

Tờ báo này do các bạn đóng góp bài vở là món quà gửi tới anh em khắp mọi nơi nhân những ngày Tết Quý Tỵ. Xin hãy xem đây là một chỗ dừng chân để tất cả chúng ta nghỉ ngơi trong mùa Xuân mới, trước khi tiếp nối chặng đường sắp tới.

Xin cảm ơn các bạn đã tham gia báo Xuân. Thân chúc các bằng hữu và quý quyến một năm mới an khang và thịnh vượng.

Phạm Văn Đình – Nguyễn Văn Hùng – Nguyễn Năng Tín – Lê Văn Truyển

Xuân hội ngộ 2013 – Vui tình bằng hữu

Mục lục



PHẦN MỘT

Lời mở đầu (Ban Biên Tập)
Sớ Táo Quân (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Về thăm trường cũ (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Xuân này tôi về quê ăn Tết (văn, Trần Công Thành)
Ba Đoản Khúc (thơ, Nguyễn Văn Hùng)
Ngư ông trên biển (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Tỏ tình qua các thời đại (văn, Nguyễn Tấn Phước)
Áo yếm (thơ,Thanh Nàng Dâu P.Ký Bữu Ngọc)
Cái tát (văn, Lê Văn Truyển)
Tình đầu tình cuối (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Xuân đến (văn, Nguyễn Năng Tín)
Nhớ Ngoại (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Tri thiên mệnh (thơ, Lê Học Lãnh Vân)
Tiếng thác trên cao (văn, Lê Văn Truyển)
Mười năm thương nhớ (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Hồn Xuân (văn, Đoàn Hùng Sơn)
Tôi cứ tưởng tuổi già… (thơ, Võ Thiện Tân)
Mùa Xuân thăm làng thư pháp Sài Gòn (văn, Dương Hòa Minh)
Em sắp về (thơ, Nhan Quan Bảo)
Em đã về (thơ, Trần Công Thành)

Bấm vào đây để qua PHẦN HAI

Chúc Xuân (thơ, Huỳnh Thanh Tân)
Vậy Hả và Vậy À (văn, Võ Văn Tiến)
Vài bâng khuâng của cuộc đời (văn, Trần công Thành)
Tạp bút (văn, Lê Văn Truyển)
Đón Xuân (thơ, Thanh Nàng Dâu P Ký Bữu Ngọc)
Cháu ngoại, Ninh tỉnh dĩ trí viễn (văn, Bùi Quang Vinh)
Ước vọng (văn, Lê Trung Châu)
Gái Gia Long & Trai Pétrus (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Tranh vui (Cao Minh Bửu Ngọc)
Tản mạn cuối năm (văn, Phạm Văn Đình)
Một thoáng nhìn lại mình (văn, Nguyễn Hữu Phước)
Đón mừng Xuân (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Thế nào là người có đạo đức (văn, Nguyễn Tấn Phước)
Du-lịch cuối năm (văn, Lê Hữu Trí)
Lãng tử hồi đầu (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Nửa Xuân, Mai và rượu (thơ, Lê Học Lãnh Vân)
Vết lệ nhòa (văn, nhạc, Lê Văn Truyển)
Vui tình bằng hữu (văn, Nguyễn Văn Hùng)
Cảm nghĩ đầu xuân của các bạn.

Sớ Táo Quân

Huỳnh Kim Hải

Kính thưa Ngọc Hoàng,

Bẫm tâu Thượng Đế,

Thần là táo quân,

Ở nơi hạ giới,

Đất nước Na Uy,

Bắc Âu xa tít,

Mờ mịt sương mù,

Mùa đông buốt giá,

Tuyết phủ ngập đầy,

Khắp nơi trắng xoá,

Ôi chao lạnh quá,

Rét nổi da gà,

Run như cầy sấy,

Răng đánh bò cạp,

Tay chân lẩy bẩy,

Lạnh đến thấu xương,

Hai bạn Đạt, Bình,

Gửi thêm hình ảnh,

Tả cảnh, tả tình,

Tuyết ngập đầy sân,

Nhìn xem phát rét,

Cụ Truyển nhà ta,

Đã từng nếm trải,

Cơn rét năm xưa,

Mãi đến bây giờ,

Vẫn còn sợ hãi,

Nỗi nhớ kinh hoàng,

Đeo mang ám ảnh…

Đã thế chẳng tha,

Lão Tín quê nhà,

Bày trò thiệt lạ,

Đắp mền hai da,

Dùng thân sưởi ấm,

Chẳng biết thiệt hư,

Bạn nào muốn thử,

Lỡ mệt ngất ngư,

Thần trí lừ đừ,

Xin đừng giận dữ,

Xin chớ trách hờn,

Bạn già tinh quái,

Đình mới thử qua,

Liền khen nức nở,

Thật ấm, thật mê,

Không tin cứ thử…

Thần xin bẩm báo,

Tin tức gần xa,

Cả năm Nhâm Thìn,

Ký bang, Trương phái,

Lắm chuyện xôn xao,

Tưng bừng, náo nhiệt,

Lẫn lộn buồn vui,

Khi cười, lúc khóc,

Thám tử Văn Hùng,

Ở tận bên Tây,

Tài ba lỗi lạc,

Tìm thấy bạn hiền,

Lâu nay thất lạc,

Mời mọc Lực Hùng,

Trung Châu, Trọng Đạt,

Lôi kéo, rủ rê,

Nối tình bằng hữu,

Bạn bè hớn hở,

Thư từ chào đón,

Thiệt quá xá vui,

Sài gòn bé nhỏ,

Họp bạn Hiền, Hoà,

Quế, Cảng, Chương, Long,

Cường, Khánh, Ngọc, Đình,

Với Phượng, Thanh, Hà,

Nói cười vui vẻ,

Sài gòn to lớn,

Càng náo nhiệt hơn,

Tân, Hương, Hùng, Phương,

Hè mới vừa qua,

Về đây thăm bạn,

Hữu Phước, Thái Bình,

Phan Hạnh, Vinh, Phát,

Minh Hạnh, Luận, Sơn,

Năng Tín, Đức Nhẩn,

Thanh Minh, Hoà Minh,

Vui vầy đông đủ,

Đến cuối năm nay,

Long, Châu, Truyển, Thành,

Sẽ về họp bạn,

Đón Tết, Mừng Xuân…

Văn Hùng nghiên cứu,

Đủ mọi thể thơ,

Tài trí phi thường,

Bạn bè bái phục,

Thơ tựa bài ca,

Quá hay, thật lạ…

Suốt cả năm qua,

Ngọc, Thanh đôi bạn,

Tham khảo, sưu tầm,

Chuyện hay, ảnh đẹp,

Cảnh sắc muôn màu,

Văn thơ đủ loại,

Trào phúng, trữ tình,

Đanh đá, hiền ngoan,

Chanh chua, ngọt lịm,

Nữ sĩ Bắc Hà,

Tài năng thi thố,

Thơ viết thật tài,

Lời hay, ý đẹp,

Lời thần tấu thật,

Bép xép không ưa,

Phô trương chẳng dám…

Quét dọn, lau nhà,

Nấu cơm, rửa chén,

Bảo vui chờ đón,

”Em Sắp Về” nhà,

Thành đi xem hát,

Mê mẩn hằng giờ,

Về đến cổng rào,

Chợt bừng tỉnh mộng,

Nhìn thấy va li,

Áo quần trước ngõ,

Cửa khoá, then cài,

Buột miệng thở than,

Ôi! ”Em Đã Về”…

Trí tìm hình ảnh,

Người mẫu thoát y,

Hoạ cảnh trên người,

Mời bạn ngắm chơi,

Vân luận đạo trời,

Núi khe tươi tốt,

Lặng ngắm, bâng khuâng,

Ngậm ngùi, tiếc nuối,

Ngày tháng xa xưa,

Mây mưa xối xả,

Giờ đã bay xa…

Tháng ngày lặng lẽ,

Biếng nói, biếng cười,

Vắng bóng, biệt tăm,

Triển vừa lên tiếng,

Giới thiệu sách hay,

Viết về trường xưa,

Lớp học thiếu thời,

Bóng hình bạn cũ,

Gợi nỗi nhớ thương,

Mọi người mừng rỡ,

Tíu tít lăng xăng,

Hân hoan chào đón,

Huy nhớ người xưa,

Mặc chiếc áo dài,

Ai bằng cô giáo,

Thiệt quá đẹp xinh,

Thành, Sơn nhập viện,

Thái Bình ham vui,

Cũng chạy theo vào,

Kiểm tra sức khoẻ,

Bịnh nhẹ đã qua,

Bạn bè lo lắng,

Chẳng ngớt hỏi han…

Khánh khóc mẹ yêu,

Đình xót ngoại già,

Tấn Phước bạn ta,

Tiếc thương cha vợ,

Tuổi cao, sức yếu,

Đã bỏ ra đi,

Giũ sạch nợ trần,

Tiêu diêu cực lạc,

An nghỉ thiên thu,

Bạn hữu chia buồn,

Thành kính phân ưu…

Truyển mời Sơn, Tín,

Thăm viếng nước Sing,

Dạo khắp đó đây,

Sơn quay phóng sự,

Thiệt đẹp, thiệt hay,

Âm thanh réo rắc,

Nhạc đệm du dương,

Phố Tàu, Hàn, Ấn,

Thắng cảnh, danh lam,

Công viên xanh mát,

Cỏ lạ, hoa thơm,

Giữa lòng thành phố,

Quý Bình, Đức Khánh,

Thèm muốn được xem,

Khu phố đèn đỏ,

Lại bị tẽn tò,

Cụt hứng mất vui,

Vì Sơn, Truyển, Tín,

Bản tính nhút nhát,

Chẳng dám ngắm nhìn,

Nói chi quay lén,

Niệm Phật, đọc kinh,

Cúi mặt thẹn thò,

Ăn xong, dzọt lẹ…

Bạn bè hò hẹn,

Réo gọi mời nhau,

Tháng sáu cùng về,

Quê hương họp mặt,

Thăm viếng thầy cô,

Trường xưa, lớp cũ,

Nôn nóng mong chờ,

Ngày tháng trôi mau,

Bạn bè hội ngộ,

Tay bắt mặt mừng,

Hàn huyên tâm sự,

Nỗi nhớ đong đầy,

Tách trà, ly rượu,

Tràn ngập niềm vui,

Hân hoan, hạnh phúc…

Chuyện kể đã dài,

Tấu hoài hổng hết,

Thần phải tạm dừng,

Năm cũ sắp qua,

Năm mới sắp đến,

Giã biệt Ngọc Hoàng,

Bye bye Thượng Đế,

Thần Táo cáo lui,

Về quê ăn Tết…

Về Thăm Trường Cũ


Huỳnh Kim Hải

Cùng nhau trở lại viếng thăm trường,

Đã suốt bao năm trải gió sương,

Nắng chiếu trên tàng cây rợp bóng,

Xuyên qua kẻ lá rọi bên tường,

Muôn hoa phượng đỏ khoe màu thắm,

Rộn tiếng ve sầu gợi nhớ thương,

Bạn hữu bao năm trời cách biệt,

Ngược xuôi, phiêu bạt khắp muôn phương.

Tha hương lặn lội bước trên đường,

Kẻ sống bôn ba chốn cố hương,

Cuộc sống thăng trầm bao biến đổi,

Thầy cô tóc đã nhuốm màu sương,

Tuổi già, sức yếu, ngồi ôn lại,

Kỷ niệm xa xưa dưới mái trường,

Dạy dỗ, khuyên răn bao lứa trẻ,

Hiền hoà, ấm áp, ngập tình thương.

Ơn sâu, nghĩa nặng mãi vấn vương,

Dấn bước trên muôn vạn nẻo đường,

Kiếm bạn, tìm thầy cô đáp nghĩa,

Thăm trường, viếng lớp thỏa lòng thương,

Vui mừng, hớn hở cùng bè bạn,

Rót chén trà thơm tỏa ngát hương,

Kính chúc thầy cô luôn sống mãi,

Tinh thần sảng khoái, trí tinh tường.

Cùng nhau dạo bước khắp sân trường,

Nhặt cánh phượng hồng đọng giọt sương,

Bỗng thấy lòng tràn bao nỗi nhớ,

Mơ màng, thắm thiết, ngạt ngào hương,

Bâng khuâng nuối tiếc dư âm cũ,

Thắp nén hương lòng, dạ xót thương,

Bạn hữu, thầy cô giờ khuất bóng,

Không còn vướng bận cõi vô thường.

Xuân Này Tôi Về Quê Ăn Tết

Trần Công Thành

Rồi một năm cũng qua và Tết lại đến. Nhưng khác với những năm trước là ăn Tết bên Tây, năm nay tôi lại tự thưởng cho mình một đặc ân là được về quê ăn Tết. Thoát được cái vòng bổn phận, trách nhiệm, đạo nghĩa để ban một đặc ân cho chính mình, nghĩ cũng nực cười các bạn nhỉ. Nhưng mà Thành chắc chắn rằng nhiều bạn cũng hiểu cho.

Ối cha, cái câu về quê ăn Tết, đă quá lâu mình không còn nhớ đến nay bỗng nhiên sống lại, cũng ráng khăn gói về quê, cũng hớn hở trong đầu, không biết đem gì về, làm những gì trước Tết, ngày Tết và sau Tết trong khi mọi việc đă khác tất cả ngày xưa, chắc mình phải học và ôn lại từ đầu.

Xuân tình

Ngày xưa tôi chỉ được một lần về quê ăn Tết, đó là năm học lớp 12 ở P.Ký Saigon. Ở Saigon bị bài vở dợt tơi tả, Tết cũng ráng vác mặt về quê, những ngày cuối năm, gió đổi mùa, cái gió bấc thổi mạnh báo hiệu cho mình biết rằng Xuân đã đến.

Dân tỉnh lẻ lần đầu ở xa nhà được về quê ăn Tết, thấy cuộc đời mình cũng giống sinh viên lạ, bắt đầu là người lớn, “kẻ chinh nhân”, lòng vui buồn lẫn lộn, biết rằng đời ngược xuôi mình chắc sẽ không còn nhiều dịp ăn Tết ở quê nữa rồi nên thấy buồn chi lạ. Sống xa xứ đã thấy buồn lắm rồi, những ngày thường vì ráng theo bài vở nên quên, còn vào những ngày tết thì lại thấy thật trống trải.

Cùng ông anh đi xe về nhà, đến ngọn đồi trước khi xuống dốc tỉnh, một vòng đai xanh ngắt của biển, xanh tươi một cách huy hoàng sẵn sàng chờ đón người con xa trở về, lòng hớn hở tôi thầm hát lên bài ca mà tôi luôn yêu thích “Cô láng giềng” của Hoàng Quý.

“Hôm nay trời xuân bao tươi thắm.
Dừng gót phiêu linh về thăm nhà.
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi.
Tôi đã hình dung nét ai đang cười.

………………………………………………
Năm xưa khi tôi bước chân ra đi.
Đôi ta cùng đứng bên hàng tường vi.
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi.
Đừng nói đến phân ly.

Cô láng giềng ơi!
Nay bóng hoa bên thềm đã thắm rồi.
Chân bước vui bên bờ đường quê.
Em có hay chăng giờ tôi về… “

Cành mai

Nói đến ngày tết chắc là điều đầu tiên mọi người nghĩ đến là chậu mai vàng để ở một góc nhà tượng trưng cho ngày Tết. Quê tôi là vùng đất cát nên rất có nhiều mai. Mỗi cuối năm, mấy ông anh đi lên rừng chặt về, cả nhà xúm nhau lặt lá, đốt gốc, sau đó lựa một cái bình lớn để bỏ vào chăm sóc. Cứ nhìn trông mỗi ngày coi nó mọc ra sao, nụ lớn dần, ra bông, ra lá. Thật là mừng rỡ khi năm nào được cây mai nở bông ra cận ngày tết, những ngày trước đó cứ thập thò coi, thấy nụ vẫn còn bé thì cứ chăm aspirine, nước sôi hay khí đá vào, chẳng biết có tác dụng gì không nhưng mà vẫn cứ làm. Những năm nào không may thì mai không nở ngày tết mà nở muộn hơn, anh em hơi buồn một chút nhưng cũng tự an ủi là mai nhà mình không phải mua mà tự kiếm lấy. Tuy không đẹp bằng những cây mai mua do dân nhà nghề trồng sẵn, thôi thì theo chân lý của thời đó, cái nào không tốn tiền mà hữu dụng thì cứ thoải mái tiến tới.

Chợ Tết

Những ngày gần Tết thì người ta nhóm chợ rất vui, có nhiều người ngủ đêm lại ở chợ. Ho bày biện bán hàng đủ thứ, thật là Tết khác với những ngày thường. Ở nhà hàng xóm có một ông, ngày xưa đi lính bị bắn cụt mất một chân nên người ta gọi là ông Năm cụt, mỗi năm là ông ta bày ra giàn hàng bán vé xổ số mà má tôi có phần hùn trong đó. Người mua chỉ bỏ một ít tiền để mua cái số của mình, khi nào bán hết 10 số là bắt đầu quay bánh xe để định đoạt người trúng, dĩ nhiên là món đồ sẽ trị giá khoảng 7 hoặc 8 lần của mỗi vé, người trúng sẽ gom hết và những người thua thì hy vọng trúng kỳ sau. Mỗi lần xổ số thì kèm theo những bài hát cổ động thật là vui và náo nhiệt, không biết ngày nay còn kiểu bán này không. Nhưng kỷ niệm này luôn ở trong đầu tôi khi nghĩ đến chợ Tết quê tôi. Còn một chuyện không quên nữa là ở những phiên chợ Tết rất có nhiều nam thanh nữ tú, nhiều cô kín cổng cao tường ngày Tết cũng lộ diện đi chợ với gia đình, nhà tôi gần chợ nên có nhiều anh bạn của những người anh tôi hay đến nhà tụ tập đông đảo “để ngắm mấy em”. Ở miền Bắc người ta đi chùa Hương mấy ngày Tết để tìm duyên còn ở quê tôi anh em “ra chợ tìm chim” vậy.

Nuôi heo ăn Tết

Để ăn Tết,má tôi chuẩn bị rất chu đáo, từ mấy tháng trước đã bắt đầu nuôi heo, làm chuồng, mua heo con về nuôi. May mà nhà tôi có mấy nhỏ em thật là dễ thương, phụ mẹ tôi chăm sóc con heo này cho mau to mập đặng Tết đến là nhà mình có thịt ăn thoải mái. Bọn con trai như tôi hồi nhỏ sao mà làm biếng quá, mọi việc nhà cứ tìm cách trốn, nhiều khi nghĩ là mà thương mấy em vô cùng, không biết bao giờ mới có dịp để đền bù cho mấy em đây. Nhớ những ngày đi học ở Saigon, một tô phở ăn ở Saigon để no bụng là bao nhiêu cực khổ của mấy em nhịn ăn nhịn mặc để dành cho người anh có cơ hội tiến thân.

Thời kỳ chiến tranh mất nhiều mà cũng được rất nhiều. Bây giờ không biết ai được gì nhiều không. Nhưng mà tôi cảm thấy dường như mất trắng. Ngày xưa tuy không xu dính túi nhưng tôi vẫn thấy rất đầy đủ, ở nhà có cha, có mẹ, có anh em, ra đường thì có bạn bè, từ làng trên xóm dưới chẳng ai là tôi không biết, cuộc sống đơn giản.

Cả thị xã có 2 con đường chính,chợ mới chợ cũ và lên tỉnh mới, không cách nào lạc được, đi đâu cũng thấy người quen, bụng đói về nhà lục cơm nguội ăn thoải mái, chẳng nghĩ ngợi gì. Chỉ bao nhiêu hành trang ấy, cái ấm của tình người mà tôi mang theo xài đến giờ vẫn chưa hết,tôi không thấy thiếu gì cả.

Đã gần 40 năm sống trời Tây, tôi tự hỏi bây giờ mình có gì? Nhiều khi cũng không biết trả lời sao, nhà không ai, may là vợ tôi vẫn ở cạnh bên tôi, con cái đi làm ở riêng, hàng xóm thì 10 năm chắc cũng chưa nói chuyện nhau một lần, xa lạ trống trải, tôi đang có hay không. Có gì? Tôi cũng chưa trả lời được câu hỏi này của chính tôi.

Bánh tét ngày Xuân

Nuôi heo ăn Tết, chắc bạn cũng nghĩ đến một phần thịt heo để làm gì. Gói bánh tét các bạn. Tôi không nhớ ra là má tôi có dùng thịt của con heo mà mấy em nuôi hay không, sợ tụi nó tội nghiệp con heo mà tẩy chay thịt nên má tôi nói rằng đã đổi với lò heo lấy thịt của con heo khác, không biết có thiệt không.

Gói bánh tét thì tôi thấy không khó, thịt heo ba rọi ướp hành tỏi mặn rồi cộng với nếp, đậu xanh má tôi ngâm sẵn chắc từ hai ngày trước. Cùng lá chuối lấy từ vườn của ngoại tôi, và sau đó là một trận gói bánh tét. Tôi không nhớ là mình có làm được gì không, chắc là ngồi nhìn má tôi gói và sau đó châm củi đốt lò, nguyên tắc là bỏ tất cả vô một thùng lớn, thùng dầu lửa con gà, má tôi ráng thức và châm lửa suốt đêm đến sáng hôm sau thì bánh chín.

Còn nhớ ngày nào dưới gốc cây dừa sau nhà, anh em thay phiên trông chừng châm củi chờ bánh chín, quây quần chíu chít bên cha mẹ. Càng có nhiều tuổi, các con tôi cũng lần lần tự lập ra đi, tôi càng nghĩ lại mà thương mẹ tôi vô cùng. Ngày xưa một đàn con quấn quít bên chân, giờ đây mổi người một phương, kẻ mất người còn. Nhiều đêm tỉnh giấc giật mình tự nhiên muốn thời gian ngừng lại, đem mình trở về với tuổi thơ, anh em đoàn tụ ngày xuân, chắc mẹ tôi mừng lắm, nhìn các con đã khôn lớn, cứng cáp vững chắc, nhưng đó chỉ là giấc mơ qua.

Không thế nào tìm lại được ngày xưa khi kẻ mất người còn, không phải ai cũng có những ý nghĩ như mình hay tất cả chỉ là những “bóng mờ dĩ vãng”. Thôi bánh đã chín rồi, đừng tiếc nữa các bạn,thế là cuộc sống thăng hoa nhá, ăn thoải mái đến mùng mười vẫn còn, hể đói thì nhào vô, bánh tét, măng khô, củ kiệu, thịt kho mấy ngày Xuân. Làm sao có thể nghĩ những tháng ngày xưa tôi thiếu thốn được, cuộc sống quá đủ hở các bạn.

Theo Mẹ gánh nước đêm giao thừa

Không hiểu sao cái kỷ niệm gánh nước đêm giao thừa với me tôi nó luôn nằm trong đầu của tôi cho đến ngày nay. Chắc là một đêm hệ trọng và tình hình hơi căng thẳng nên đó đã ghi vô tiềm thức để còn nhớ đến giờ. Tôi nhớ lúc đó hình như mẹ tôi đang mạng trong bụng đứa em nào đó mà tôi chẳng nhớ nữa.Trước giao thừa, nhà lại hết nước và dĩ nhiên bổn phận người mẹ trong gia đình là lo làm sao hủ gạo, chai nước mắm, những lu nước đầy đủ trong nhà để xài trong mấy ngày Tết. Thế là me tôi quẳng gánh đi, tôi lúc đó cũng lẩn quẩn đi theo, cũng chẳng làm gì lạ, chắc là để dọn đường, coi chừng đừng để vật gì cản trở chân me tội để bà đứng té thế thôi, nhiệm vụ căng thẳng đến nỗi còn nhớ đến giờ dù từ nhà đển chổ giếng nước gần hãng nước đá cũng khoảng hai trăm thước.

Nghĩ lại ngày xưa sao ngu quá, mà ngày xưa ngu thiệt, phải như bây giờ tôi đã cho đào 10 cái giếng ở cạnh nhà để mẹ tôi khỏi đi gánh xa và lo cái nhu cầu căn bản là nước cho gia đình. Trên đời này cũng rất có nhiều chuyện mà mình hay nói “phải chi được như bây giờ” thì nhiều chuyện chắc đã khác đi các bạn nhỉ.

Quần áo mới

Thường thì dân xóm tôi ít có dịp nào có áo quần mới, thông lệ thì thằng anh lớn mặc trước rồi sau đó truyền lại cho thằng em. Nếu không có dịp Tết thì chắc cả đời những thằng em thứ cũng chưa có được một chiếc áo mới. Tết đến, mẹ tôi nhất định là phải sắm áo mới cho từng đứa, tôi nhớ chắc chắn được là cái áo còn quần thì không bảo đảm, tùy năm. Mẹ tôi lại có dịp chọn vải rồi đem ra chợ nhờ những cô thợ may đo và may giùm. Coi vậy mà sang thiệt hở các bạn, được mặc áo quần sur mesure từ nhỏ. Chẳng hiểu vì sao nhưng chắc là do tiện lợi nên mỗi năm tôi được cái áo trắng, có lẽ áo mới mặc tết và cũng tiện để mặc đi học tiếp năm sau. Lâu rồi tôi chẳng biết mình còn nhớ rõ không, những năm đầu được mặc vải popeline trắng toanh nhưng hơi nhăn và những năm sau đó được mặc vải nilfrance và ngon lành nhất là năm 12 P.Ký được mẹ tôi may cho cái áo bằng vải Oxford, le top des tops, mặc đã quá, cái áo này với huy hiệu P.Ký và dấu hiệu quân sự học đường ở ngang vai là ấn tượng với tôi nhất, lúc đi du học bỏ lại nhưng vẫn còn tiếc đến bây giờ.

Với tình yêu thì Tân và Hùng hay nhắc đến nguyên tắc số 9, còn tôi ngày xưa, về vấn đề may mặc tôi áp dụng nguyên tắc số 2 (2 áo, 2 quần dài, 2 xà lỏn) là đủ bộ hành trang cho cuộc đời. Dơ cái này thì lấy cái khác mặc và giặt cái dơ, thế là xong, quý đồ hơn cả mạng mình, nhiều khi lỡ bị rách cái gì, như Truyển diễn tả quá hay quá câu “lòng buồn như chó cắn”, cứ nghĩ tại sao mình không ráng đừng cho nó rách, thà là chảy máu trầy da, vài ba ngày thì lành lại miễn phí còn hơn là để rách đồ phải lấy tiền mua chớ nó tự nhiên không lành lại được. Có một cái gì đảo lộn trong tôi các bạn à khi thấy thời bây giờ, áo quần đó, chất nhìn thấy ngợp đầu, mua chưa mặc tới, lại đến mùa solde rồi đi mua tiếp.

Uống nước soda bạc hà

Thường thì nhà tôi chỉ uống nước mưa đun sôi hứng từ cái hồ mà ba má tôi xây sau nhà hoặc ba tôi thì uống nước trà mỗi ngày. Sáng ra một bình trà, trưa một bình và tối một bình. Đi ngang bàn, khát nước rót một ly trà, rồi ai nấy cùng uống trà. Chắc chỉ có dịp Tết mới được uống Soda. Nước sá xị và ấn tượng với tôi nhất là nước cam màu bạc hà, xanh lè. Trước Tết là me tôi mua một hai két để sẵn và tụi tôi chỉ trong mấy ngày Tết thì được thoải mái, áo quần mới, đi chơi đã, tiền lì xì đầy túi, chơi bầu của cá cọp rồi về nhà uống nước cam bạc hà, sá xị, đời còn gì vui bằng, những cuộc vui này chỉ ngừng khi mùng năm Tết đi qua và bắt đầu đi học lại. Ôi những ngày hoàng kim, soda bạc hà là đã rồi, còn coca thì quá đã. Bây giờ mua một chai coca uống cả tuần chưa hết, sao kỳ thiệt, tại sao nó không đã bằng hồi xưa ta!!!

Súng pháo

Ngày xưa ngoài pháo để đốt ra, những “ông con nít” như chúng ta Tết đến là được trang bị thêm súng bắn pháo nữa chứ. Oai phong lẫm liệt với cái súng màu đen, cuồn pháo đó quấn tròn và được kéo lên mỗi khi mình nã một phát. Mấy anh em trai nhà tôi đông nên năm nào cũng được Ba tôi trang bị đầy đủ, áo quần mới, sáng mùng một, xức dầu thơm, đầu tóc chải gọn brillantine lại vát cây súng nữa chớ, oai phong lẫm liệt, ra khỏi nhà gặp đứa nào là nã đứa đó. Ối thời huy hoàng, một bầu trời (vài kilo mét vuông) ta nắm gọn trong tay.

Ngày trước đường lên nhà ngọai có một khúc đường rất vắng vẻ đi ngang một bụi tre lớn và có một dòng nước nhỉ chắn ngang. Đường vắng đi dép dính nước lúc bước đi, dép dở lên nghe xịch xịch làm như có tiếng ai đi theo tiếng đi của chính mình làm mấy nhóc tụi tôi sợ lắm, dân sợ ma nghề nghiệp mà, người ta nói “Cọp Khánh hòa, ma Bình thuận” nên ma ở đây nổi tiếng lắm, mình chạy nó sẽ chạy theo. Mà thực vậy các bạn à, Thành đã thử, mình chạy thì nghe tiếng nó chạy theo và sau đó thì phải ráng chạy hết ga để mà thoát chỗ đó càng lẹ càng tốt. Ngày xưa có mang theo súng này nổ vài phát để không nghe tiếng bước chân theo mình cũng giúp cho Thành thoát chết vài phen. Không biết chết vì gì nhưng trước hết chắc là chết vì sợ ma.

Ngày ra đi

Cũng như những lần về, lúc ra đi cũng thế, ngoáy lại nhìn cái vòng đaị biển từ trên đồi dốc tỉnh là điều mà tôi luôn làm mỗi lần trước khi “để lại sau lưng tuổi thơ của mình”. Dù lòng thanh thản hay vấn vương, vẫn khúc hát này lại chởn vởn trong đầu:

“Cô láng giềng ơi!
Tuy cách xa phương trời tôi không hề,
Quên bóng ai bên bờ đường quê.
Đôi mắt đăm đăm tìm phương về.

Đành lòng nay tôi bước chân ra đi.
Giơ tay buồn hái bông hồng tường vi.

Ghi chút tình em nói chờ đợi tôi,
Đừng nói tới phân ly.

Cô láng giềng ơi!
Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi.
Chân bước xa xa dần miền quê.
Ai biết cho bao giờ tôi về… “.

Xuân này tôi về

Năm nầy tôi sẽ về quê ăn Tết, không biết chuẩn bị ra sao, chắc cũng có nhiều niềm vui cũng như là phải chuẩn bị nuốt cho trôi những cái thất vọng. Cũng như bao thế hệ trước, lúc mới lớn lên, đầy lý tưởng và hoài bảo, đến lúc trưởng thành và tuổi già sắp đến lại giật mình thấy mình cũng chẳng làm được gì, thôi thì không còn ý chí và thời giờ nữa, xin gởi gắm những hoài bảo của mình cho thế hệ sau và tạ lỗi với tiền nhân vậy.

Cũng như mọi người tôi cũng muốn đi trên một con đường đầy hoa thơm và “kiều nữ”. Nếu những con đường mình muốn đi nhưng không có gì cả thì thôi phải ráng dừng chân lại, cặm cụi gieo hột trồng tỉa chăm bón, hy vọng năm sau mình đi trở lại sẽ thấy hoa nở và lòng mình sẽ ngát hương. Nếu hoa không nở hoặc đã bị nắng cháy mất rồi thì chắc cũng cảm nhận rằng mình không thể làm được tất cả mọi chuyện và phải chọn lựa để làm những gì mà mình coi là quan trọng của cuộc đời mình. Đừng giận dỗi, đừng chán nản, có thể là có một đứa nhỏ đang nhìn ông già điên đang cặm cụi chăm sóc bông bên lề đường khô cằn sỏi đá, nó cũng chẳng hiểu tại sao, chỉ nhếch miệng cười, nhưng vài chục năm sau, trên đường đời nó sẽ hiểu ra và tiếp tục công việc của ông già điên đó.

Cuộc đời là thế, qua bao thăng trầm, nhiều đảo lộn lớn của những giá trị trong 40 năm qua nhưng Thành vẫn luôn nghĩ rằng những giá trị căn bản mà mình nhận được từ những giáo dục đơn giản của gia đình xã hội nhỏ bé ngày xưa vẫn luôn đúng và hữu dụng, không cần tìm đâu xa những giá trị đó mà nó luôn ở quanh ta. Ngày xưa tôi mơ đường xa cảnh lạ, đời sống đô thị để học hỏi nhưng bây giờ lại thấy rằng sông, biển, núi, rừng, ruộng, rẫy nó lại có đủ cả ở quê tôi ngày xưa. Những đạo lý của cuộc sống đô thị, những nước tiến triển chắc có lẽ nó không cho tôi một cái cảm giác an bình như là cái mà tôi có được khi cuộc đời tôi chỉ vỏn vẹn trong vài kilo mét vuông ở một vùng biển mặn khô khan.Thôi thì:

“Ra đi tìm động hoa vàng.

Về nhà chợt thấy nắng tràn đầy sân.

Ngó qua thấy một thằng đần.

Là ta lẩn thẩn bâng khuâng chợ đời”.

Ai biết cho bao giờ tôi về??? Câu hỏi của 40 năm xưa.

Thưa các bạn, năm nầy tôi về quê ăn Tết, sơ sơ cũng 40 năm trôi qua không ăn Tết ở quê nhà. Bốn mươi năm cũng là một khoảng thời gian khá dài của một đời người các bạn nhỉ. May cho tôi là cũng còn có được ngày về quê ăn Tết để cho cái “truyện ngắn đời tôi” có một cái kết cục có hậu là có đi có về mặc dù đời sống xung quanh đã đổi thay rất nhiều.

Tôi tự cho rằng mình là người có nhiều may mắn và sung sướng đến nổi phải xin phép Truyển, đổi câu nói của anh ta ra thành “lòng vui như chó cắn”, để diễn tả một cách gần đúng nhất với tâm trạng của mình.

Chào các bạn, ăn Tết vui và hẹn xuân sau.

Xin bấm vào đây để xem hình Thành về quê ăn Tết.

Ba Đoản khúc

Nguyễn Văn Hùng

Nào Quên Được

Ngày xưa trong trắng tuổi ngây thơ,

Mình nói thương nhau chớ hững hờ.

Mong đợi, đợi mong, nhiều cách trở,

Cách ngăn, ngăn cách, hết mong chờ.

Cành vàng lá ngọc đâu còn nữa,

Mái tóc người thương điểm bạc rồi.

Quên lãng, lãng quên, tình chẳng cạn,

Cách xa, xa cách, nhớ nào vơi.

Sầu Chiếc Bóng

(Thân tặng Truyển & Thùy)

Đơn côi chiếc bóng một mình,

Anh sầu nhung nhớ bạn tình trăm năm.

Em nay ở chốn xa xăm,

Non sông cách trở biết thăm thế nào.

Em ơi thương nhớ rạt rào,

Nhớ về những phút ngọt ngào yêu đương.

Yêu em tóc xỏa mùi hương,

Nhớ em môi mọng vấn vương tấm lòng.

Mong Tái Hợp

Đường xưa lối cũ xa xăm,

Ngày xưa Hoàng Thị mười lăm dại khờ.

Em tôi nhung nhớ mong chờ,

Yêu nhau xin chớ hững hờ mai sau.

Tình yêu cao thượng trao nhau,

Lâu đài tình ái sang giàu chẳng trông.

Căn nhà màu tím bên sông,

Vu quy mơ mộng tơ hồng lứa đôi.

Ai ngờ mình lỡ duyên rồi,

Bên cầu biên giới tình thôi ngậm ngùi.

Bao nhiêu mộng ảo chôn vùi,

Con tim tan vỡ ngày vui đã tàn.

Mười năm tình cũ ngỡ ngàng,

Nhớ em duyên kiếp bẽ bàng em ơi,

Em là tất cả cuộc đời,

Biệt ly đôi ngã nào vơi bóng hình.

Ngồi sầu lẽ bóng một mình,

Mưa trên biển vắng tâm tình với ai.

Dư âm tiếng sáo thiên thai,

Mong chờ cô láng giềng mai trở về.

Lãng du mình chẳng lỗi thề,

Ngày về chàng mãi đê mê với nàng.

Đưa em tìm động hoa vàng,

Thế rồi từ đó thiên đàng ái ân.

Ngư ông trên biển

Huỳnh Kim Hải

Mây đen phủ kín cả bầu trời,

Một chiếc thuyền con giữa biển khơi,

Biển cả trùng trùng muôn sóng dữ,

Thuyền con vỏn vẹn mái chèo đôi,

Gió gào phẩn nộ, mưa tầm tã,

Tỉnh táo ngư ông lặng lẽ ngồi,

Nắm chặt tay chèo bơi ráo riết,

Con thuyền ngụp lặn sóng đầy vơi…

Mây tan, gió lặng, ngớt mưa rơi,

Biển vắng, thuyền trôi dạt bên trời,

Gác mái chèo, ông nằm mệt lã,

Hồn chìm đắm mộng ngút ngàn khơi…

Chim trời vỗ cánh, kêu quang quác,

Tỉnh giấc mơ hoa, sức phục hồi,

Thả lưới, vung cần câu bắt cá,

Che lò, nhúm lửa, thổi cơm xơi.

Nâng ly rượu nếp rót lên môi,

Nếm chút men cay, nhấm miếng mồi,

Cá nướng thơm lừng trên bếp lửa,

Cơm ngon phút chốc sạch trơn nồi,

Trà xanh cạn chén, no căng bụng,

Cá khẳm khoang thuyền, chậm chạp trôi,

Khuấy nước, khua chèo bơi thẳng hướng,

Vào bờ cát trắng trải chân trời.

Thuyền vừa ghé bến nước chơi vơi,

Rộn rã người mua đợi sẵn rồi,

Bán hết nhanh, ông liền vội vã,

Về nhà gặp vợ trẻ đang ngồi,

Ôm con nhỏ, phập phồng lo lắng,

Sợ bão giông, mưa gió biển khơi,

Đánh đắm thuyền, vùi ông đáy biển,

Ôm chồng, siết chặt mãi, không rời.

Tỏ tình qua các thời đại

Nguyễn Tấn Phước

** Vào những năm 1940 đến 1970, người con trai khi phải lòng cô gái nào, muốn tỏ tình thường dùng văn thơ để bóng gió nói lên tình yêu của mình thật nhẹ nhàng, lãng mạn và sâu sắc. Bài thơ “Ước gì” của Nguyễn Bính là một thí dụ tiêu biểu cho cách tỏ tình thơ mộng thời này.

ƯỚC GÌ

Ước gì tôi được quen cô giáo

Để được theo cô học vỡ lòng

Chỉ sợ trẻ đông ngồi chật lớp

Người đông cô có nhận tôi không?

Nếu cô đồng ý nhận thêm tôi

Tôi sẽ theo cô học suốt đời

Suốt đời tôi chỉ theo một lớp

Suốt đời tôi chỉ học cô thôi.

** Khoảng những năm 1960 đến 1980, người con trai khi tỏ tình thì vẫn nhẹ nhàng, lãng mạn nhưng cụ thể, thực tế hơn. Điển hình là bài thơ đã được phổ nhạc “Hỏi thử” (không rõ tác giả) nghe thật dễ thương.

HỎI THỬ

Chân có bằng lòng cho chân theo với

Tóc có bằng lòng cho một sợi thôi

Mắt có bằng lòng trông nghiêng chờ đợi

Tim có bằng lòng giữ hộ tình tôi?

Là la lá lá la la la là.

Tay có bằng lòng cho tay nắm lấy

Vai có bằng lòng khoác nhẹ nhè ngang

Lưng có bằng lòng cho tay vòng lại

Môi có bằng lòng cho một nụ hôn?

Là la lá lá la la la là.

** Đến những năm đầu thế kỷ thứ 21, việc tỏ tình của thanh niên nam nữ khi gặp nhau đã trở nên tự nhiên, mạnh dạn và táo bạo hơn. Trai gái có thể quen nhau, yêu nhau sau lần gặp đầu tiên và hành động tỏ tình trước không còn là việc làm chỉ dành cho người con trai nữa mà con gái cũng sẳn sàng ngõ ý khi thấy phải lòng người đối diện. Đoạn đối thoại sau đây cho thấy cách thể hiện tình cảm theo kiểu mới của thanh niên thời @.

LÀM QUEN

Khi gặp nhau, thấy vừa ý, chàng trai hỏi cô gái:

“Cô kia, cô kỉa, cô kìa,

Mặt trông xinh xắn, cái kia thế nào?”

Cô gái không chút thẹn thùng, tươi cười đáp trả:

“Trắng non, trắng nỏn, trắng nà,

Cũng râu cũng tóc, mượt mà nước non”

Nhìn chàng trai thích chí, cô gái hỏi lại thật tự nhiên:

“Anh kia, anh kỉa, anh kìa,

Dáng trông cao ráo, cái kia thế nào?

Chàng trai kiêu hãnh, tự hào cao giọng trả lời:

“Cũng cưng, cũng cứng, cũng cừng,

Cũng nhảy tưng bừng khi gặp cái kia”

Văn hóa yêu thay đổi theo từng thời là việc bình thường. Thơ văn đã dần không được nhiều người yêu thích nữa, người ta đã chuyển sang yêu thích lĩnh vực ca nhạc ngày càng nhiều. Không biết đến ngày nào đó, người ta sẽ tỏ tình với nhau bằng cách nào, ra dấu bằng tay chân chăng?

Theo dõi trên gmail, về quê.com của anh em lớp 12B2 Petrus Ký cũ, bất cứ ai không biết gì về anh em mình người ta vẫn biết đây là nhóm người “Ngũ thập nhi tri thiên mệnh” hay là đội quân U60.

Chuẩn bị mừng Xuân mới, chuẩn bị cho những ngày sắp gặp lại bạn bè cũ, mình xin tham gia một vài ý vui cho tờ báo Xuân Quý Tỵ Về quê của lớp. Ban biên tập xem có được thì duyệt đăng.

Chúc tất cả thật vui trong những ngày xuân, nhiều sức khỏe, hạnh phúc và may mắn trong năm mới.

Áo yếm


Thanh – Nàng Dâu P Ký Bữu Ngọc

Tóc em tơ óng đen huyền

Chảy dài như suối Cam Tuyền phủ lưng

Khăn nhung vấn lọn, vo tròn

Mẹ em chỉ dạy, quấn nơi đỉnh đầu

Em xinh tựa đóa sen hồng

Bước chân thong thả bên bờ ao sen

Cỏ non xanh biếc gót chân

Nét thiên nhiên đó điểm tô cho đời

Vải tơ áo yếm Mẹ may

Phủ che kín nửa thân em đẩy đà

Lưng, eo đối với mây trời

So đây với đấy phải nhường phần em

Bên cầu em thả yếm lơi

Tơ vươn vướng mắc, em khơi điểm chào

Gió đưa thoảng nhẹ cây rào

Em nghiêng má thắm, liếc nhìn xuống ao

Đưa tay ngắt lấy cành sen

Lá sen phản chiếu trên làn da em

Mặt hoa điểm nụ môi hồng

Có ai lại chẳng thầm thì ước ao

Nhởn nhơ bướm lượn, ong vờn

Em đây tựa những cành sen trong đầm

Chỉ xin tỏa chút hương thầm

Được nơi bến hẹn trong ngần em trao.

Cái tát

Lê Văn Truyển

Mười lăm tuổi. Tuổi của cô đơn . Cái cô đơn bỗng dưng đè xập xuống làm tôi nghẹt thở. Có lúc tôi thừ người như không muốn làm gì. Tôi không thấy ai chung quanh, tôi như người mộng mị. Tôi biết mình đổi khác, sáng thức dậy thấy uể oải, nhìn xuống quần có dấu vết của một cái gì khang khác mà không biết. Tôi chán sách, tôi chán học, tôi thích đi lang thang. Mùa hè lớp chín buồn như những cơn mưa dầm dề. Mới hè năm ngoái, tôi còn là một học trò ngoan. Năm nay trái lại. Tôi đi tìm sách đọc về tuổi 16, những cuốn sách dấm dẳng không trả lời được câu hỏi của mình . Những truyện mà người mẹ trưởng giả mặc áo dài, gọi con và xưng bằng mẹ. Mẹ tôi quanh năm áo cánh, gọi mày xưng tao, khi nào bà âu yếm thì bảo « thằng khỉ gió ».

Lớp chín vừa rồi cũng là một năm biến động, mùa xuân bắt đầu bằng khói lửa ngay trong thành phố. Nhà cháy kéo khói lên tới trời, đứng góc nào của thành phố cũng thấy. Chiến tranh không còn dành cho thôn quê. Đêm ngủ có đại pháo làm nền, có 122 bay vào xóm. Là anh lớn của mấy lớp chiều, trong đó có thằng em tôi. Chúng tôi trông đường bệ, nhưng ra khỏi cổng trường thấy mình tí hon bên cạnh các anh các chị Khoa Học qua lại phất phơ trước trường. Dạo ấy sinh viên còn hiếm, cả xóm tôi không mấy người lên đại học, phần lớn dừng lại ở bậc trung học rồi đi lính hay ra bán chợ trời.

Tôi ở trong một xóm nhỏ gần trung tâm thành phố. Thực ra nhà tôi ở mướn trên một căn gác nhỏ có thêm một nửa cái gác xép nóng như hun người những ngày nắng và rộn ràng như thác đổ những ngày mưa. Nhưng chính cái gác ấy gây cho tôi những ấn tượng đầu đời của kiếp lãng du. Ở đó tôi đã làm những bài thơ đầu tiên, những nốt nhạc dang dở không bao giờ chép ra hay những bức tranh mầu nước không bao giờ giữ lại.

Mười lăm tuổi xuống đường chống chiến tranh tràn qua xứ chùa Tháp. Tôi điên cuồng chạy trong khói lựu đạn cay không biết để làm gì, nhưng phải đập phá cái gì cho hả dạ. Lúc anh Tổng Thư Ký vào trường tựu họp và tuyên bố bãi khóa, tôi thấy anh oai phong lẫm liệt như một chiến tướng chỉ huy. Hình ảnh anh Tổng Thư Ký ngồi trên chiếc xe Honda hạ tay như hạ cờ cho tấn công thành ám ảnh tôi nhiều năm sau đó. Công An vây lấy anh, chúng tôi chạy vào vây quanh, như một phản xạ tự nhiên. Chống chiến tranh, chống cáp duồn. Những chữ nghe mới lạ và người lớn. Thôi rồi những trò rượt nhau trên sân trưòng với bạn bè. Những bạn bè sau này biệt tăm không biết về đâu. Tôi tử thủ trong trường cho đến tối mịt mới về, dĩ nhiên là với lý do « kẹt trong trường tại mấy thằng lười không chịu học mà chỉ muốn bãi khóa».

Tuổi mười lăm chính thức đến vào mùa hè năm ấy. Mưới sáu tuổi ta, bà nói tôi lớn. Mẹ thôi không còn mắng tôi như trước và từ vài năm nay tôi không con bị những cái tát nổ đom đóm mắt của Bố tôi vì những tội không đáng tội, chỉ vì đầu óc ông lúc nào cũng ằng ặc những lo lắng cho miếng cơm manh áo. Đêm sinh nhật, tôi mua ổ bánh mì lên từng gác xép nhìn về phía có ánh đèn nơi có những tiếng hát dập dìu của một ban nhạc da vàng hát cho những anh lính Mỹ xa nhà. Những bài hát mới như The House of the Rising Sun, Sealed With a Kiss. Tôi say sưa nghe những tiếng bass trầm trầm, tiếng lead guitar văng vẳng trong đêm rồi đầu óc đi giang hồ mải miết tưởng mình ở đâu đó trên một xứ nào xa lạ. Tôi nhớ mãi đêm sinh nhật ấy cho đến bây giờ, cái sinh nhật duy nhất trong đời mà tôi làm với thật lòng mình. Sinh Nhật cô đơn.

Mùa hè đến với những cơn mưa rào, ầm ỉ nhưng mau tạnh. Lá đổ suốt con đường tôi đi học thêm anh văn vào buổi chiều, dẫm lên tưởng như chàng lãng tử giang hồ không chỗ dừng chân. Đó là những ngày cô đơn nhưng hạnh phúc, hay đúng hơn hạnh phúc vì được cô đơn. Tôi như con sâu nhỏ nằm trong kén không thấy ai và cũng chẳng muốn ai thấy mình.

Cũng là thời những bài thơ của Trần Dạ Từ ám ảnh tôi.

Em mười sáu tuổi trăng mười sáu,

Áo lụa phơi buồn sân gió xưa.

Những « em mười sáu tuổi » tôi chưa từng quen nhưng tưởng như là thân lắm. Một chiều mưa qua Trưng Vương thoáng thấy một tà áo dài tựa dưới gốc cây. Một buổi sáng qua Nguyễn Bá Tòng chợt một ánh mắt đen tuyền ngước lên như khựng lại. Những gương mặt ấy, ánh mắt ấy tràn ngập nhiều đêm mộng mị làm đầu óc bỗng như mơ hồ, như đang đi trên mây.

Tôi vẫn ngoan ngoãn làm bổn phận của con trai lớn trong nhà. Tôi không biết mắc cở khi ngồi trước nhà rửa chén hay giặt quần áo mấy đứa em. Buổi tối khi hàng xóm bắt đầu đóng cửa đi ngủ, tôi kéo cuộn dây ống nước ra phông ten đầu xóm đong đầy mấy cái lu lớn trong nhà, hai hay ba bận một tuần. Những hôm trời đẹp, trăng soi trên xóm nhỏ, tiếng nhạc từ nhà ai vọng ra nghe buồn não ruột. Những tối trời mưa tầm tả, xóm vắng teo, lủi thủi kéo dây nước về nhà, những hạt mưa lạnh rơi trên mặt làm tôi tinh táo.

Cứ thế mùa hè qua, tôi mang tâm trạng ấy mở cửa bước vào lớp mười B2.

Năm nay học lớp sáng, cảm thấy mình gia nhập một đội ngũ các đàn anh lớn. Buổi tựu trường cũng khá bọt bèo. Lớp cũ của tôi đã pha trộn quá nửa với lớp Chín 4. Những gương mặt không xa lạ vì đã chia nhau một hành lang bốn năm trời. Lớp này cũng hay chơi đùa với lớp kia, tuy vậy vẫn có khuynh hướng bảo thủ, các bạn vẫn chơi theo nhóm nhỏ kéo nhau từ lớp chín lên.

1970 tổng trưởng kinh tế Âu Trường Thanh cho nhập cảnh tự do xe máy Nhật. Đường phố bắt đầu kẹt cứng vì xe động cơ hai bánh. Đi về quẹt ngón tay vào mủi thấy đen xì. Những tin tức hằng ngày xe lính Mỹ chẹt chết người như cơm bữa. Bạn bè đã có đứa có xe Honda. Honda là nói chung chung, dĩ nhiên là có đứa có Suzuki, PC50, Honda SS, Honda Dame, Kawasaki, tóm lại đó là những cái xe rất chiến và rất đắt.

Hồi nào đến giờ đi học tôi đi bộ. Từ nhà đến trường khoảng hơn ba mươi phút. Trời nắng hay mưa, sáng hay chiều, tôi cuốc con đường dài tội nghiệp năm này qua tháng nọ. Sự đi bộ đã vào thân và trở thành một môn thể thao kinh niên. Tôi có thể đi từ trung tâm Saigòn vào đến Phú Thọ hay ngược qua Khánh Hội mà không biết chùn chân.

Con đường đi học ngang qua trại Ủy Hội Quốc tế Đình Chiến, cái tên nực cười đó vẫn giữ nguyên cho đến ngày tôi đi khỏi xứ. Chiến tranh vẫn nhộn nhịp bên ngoài nhưng con đường trong Ủy Hội rợp nắng bởi hai hàng me là một chốn yên bình của tôi. Con đường xanh mướt hai mùa mưa nắng, có những mái nhà lấp loáng sau những hàng rào dâm bụt đỏ ối. Mùa giáng sinh, ngôi nhà thờ mở cửa cho xem hang đá có chúa Hài Đồng và bà Maria. Mọi thứ có vẻ tây phương lắm. Buổi sáng tinh mơ nắng nhẹ phất phơ trên hàng me. Buổi chiều nắng lấp lánh trên đường long lanh hắt vào mắt những cô gái đi học về. Và những chiều mưa dẫm bưóc trên những lá me bầm dập có một chút gì buồn buồn. Con đường Ủy Hội chỉ là một khúc nhưng gây nhiều ấn tượng. Trước khi bước vào đây phải qua nhà thờ Huyện Sĩ và con đường rầy hỏa xa nay đã bị lấp đi. Những vần thơ học trò đã nở ra ở đây và lần lượt rơi vào xọt rác vì quá tệ.

Năm nay tôi được đóng tiền ghi danh Trung Tâm Văn Hóa Pháp. Bố hỏi tôi tiếng Pháp cần hay toán lý hóa cần. Tôi nói mấy môn khoa học học lấy ở nhà được, tiếng Pháp thì không. Lại đi bộ đến Văn Hóa Pháp. Nhưng con đường qua trung tâm thành phố ồn ào vui vẻ hơn. Qua khỏi Tòa Đô Chánh là Givral. Gần Giáng Sinh, Givral trưng bày bánh kem trông thấy phát thèm, không ăn trông thôi cũng đẹp mắt. Lần đầu tiên tôi thấy buche Noel, một khúc bánh trông như que củi lò sưởi trát đầy kem, có ông già Noel tí hon đeo thúng quà lủng lẳng sau lưng. Có một cái gì xa lạ nhưng hấp dẫn, như khám phá ra một nền văn minh mới.

Khác với Petrus Ký chỉ có con trai, TT Văn Hóa Pháp là nơi có thập đại chúng sinh. Con gái trường việt trường tây tấp nập. Đến để học cũng có, để chơi cũng có nhưng chắc nhiều hơn. Áo dài hay đồ đầm, hippy hay đơn giản, tha hồ mà ngắm. Tôi thì bốn mùa quần xanh áo trắng. Những chiếc quần bắt đầu ngắn, để lòi những cái nút đen ra vì lớn mau hơn quần biết giản. Tôi đi học thủ cặp trước quần, ngắm các cô qua lại mà không dám làm quen. Mùa hippy đã lan tràn khắp nơi. Những cánh hoa xanh đỏ đã được khắc trên xe gắn máy. Áo trắng bó sát người và cổ loe đã thấy khắp nơi. Qua rạp hát Rex mà hoa cả mắt. Những cô và cậu sánh đôi hay đèo nhau qua lại không thấy gì có vẻ chiến tranh quanh đây cả.

Tôi ước sao được có một cái xe như chúng bạn. Hơn nửa lớp đi xe, lèo tèo vài đứa đi xe đạp hoặc đi bộ như tôi. Cái xe không phải là phương tiện chuyên chở nửa, mà là món trang sức cần thiết của đám choai choai như chúng tôi lúc bấy giờ. Ngay cả những đứa ở cách xa trường chỉ dăm ba phút cũng đi xe. Tôi bắt đầu nói xa nói gần nhưng Bố Mẹ tôi làm lờ. Đại khái, nếu có xe thì con đã đưa Mẹ về chợ sớm hơn rồi. Hay, trời mưa quá, đi học ướt hết cả đầu. Không biết cái vô lý của mình là đi xe mà không mặc áo mưa che đầu cũng ướt như thường. Những cái oái oăm đó lúc đầu Bố tôi không để ý nhiều, nhưng ông bắt đầu át đi. Lo học đi, có xe cũng chỉ đi chơi thôi chứ học hành gì. Rồi ông kê danh sách những ông bạn có con đi xe bị tai nạn, bị đánh giật xe, hay đâm ra chơi bời lêu lổng, tối ngày đàn đúm. Thật sự ra nếu nhìn kỹ lại trong nhà, có nhiều ưu tiên khác hơn là cái xe. Nhà không có TV đã đành, cũng không có nổi cái tủ lạnh để khỏi phải đi chợ mỗi ngày. Nhưng trong óc tôi lúc đó , cái xe quan trọng hơn hết thảy. Để đi ra đường không phải rụt rè trưóc những lô xe rần rật chạy quanh mình. Để có thể ít nhất bằng được các cô đi xe. Và nhất là cái xe làm mình tự tin hơn khi phải đi …tán ghệ (mặc dầu chỉ là dự tính hoang tưởng lúc bấy giờ thôi). Tôi chống chế, gần như nằng nặc cho bằng được.

Lúc ấy Mẹ tôi mới mướn đuợc một sập vải trên lề đường Lê Lợi, công việc hanh thông hơn. Đỡ cho Mẹ là khỏi phải sáng sớm lên Chợ lớn bán hàng đến tối mịt mới về. Bây giờ, buổi tối tôi ra chợ dọn hàng cho Mẹ, xếp từng xấp vải vào thùng rồi chờ đẩy vào Bộ Công Chánh gần nơi đó để cất qua đêm. Nhiều khi còn sớm, tôi ghé qua bến tàu ngồi xem thủy triều lên. Gió rầm rập trên đầu, chim lượn từ những mái nhà ven sông rồi đảo xuống bắt cá. Những lúc được ngồi yên lặng như vậy, mặc kệ nhân sinh chung quanh, tôi thấy mình như thoát khỏi thành phố này để đi đến một chốn nào, xa lắm.

Mẹ buôn bán khá hơn, chuyện đòi mua xe của tôi nhờ vậy có nhiều khả năng thực hiện được, nhưng nếu không quyết liệt thì sẽ không có. Tôi tăng vận tốc đòi và bắt đầu lầm lì hay mặt nặng mặt nhẹ. Tôi vẫn làm bổn phận của mình, nhưng như là một người đi làm mà lãng công chứ chưa phải đình công, nhưng không còn vui vẻ như trước nữa.

Gần Tết, các bạn đua nhau đi xem phim hay vào Thảo cầm viên chơi, tôi cũng đi theo. Ngồi sau bạn đèo đi cũng vui, nhưng ước gì mình có cái xe của riêng mình nhỉ. Buổi trưa hôm đó đi về, Bố tôi nói tao thấy mày ngồi ở góc đường Lê Thánh Tôn (vì ông làm ở Tòa Đô chánh) với đám bạn. Tôi nói, hôm nay trống hai giờ sau nên đi theo bạn chơi. Đi xe với chúng nó cũng cẩn thận, tao đẻ mày ra nguyên vẹn thì đừng để tai nạn xe sứt mẻ cả đầu mình. Tôi nói đâu phải ai đi xe cũng có tai nạn hết đâu, mình không có xe thì nói như vậy chứ cả nước họ đều có xe có ai có việc gì đâu. Trưa nóng đập trên mái tôn, cuộc đấu khẩu tiếp tục tăng cường độ. Cả hai cha con cùng đứng gần cái bàn nước. Chỉ biết có một lúc, ông giận lên chắc vì tôi lên giọng. Bốp một cái, một cái tát nên thân phóng ra, đập thẳng vào mặt tôi như trời giáng. Cả tôi cùng ông đều khựng lại rồi ông bỏ ra hàng hiên đứng. Cả ngày hôm ấy hai cha con tránh đụng mặt nhau.

Buổi trưa trời nắng chang chang, khi ông lấy xe đạp đi làm, ngồi trên gác tôi thấy ông đặt chân trên bàn đạp, guơng mặt khắc khổ nhăn lên để lấy trớn đẩy chiếc xe đi.

Buổi chiều hôm đó có người bạn rủ tôi qua đại học Khoa Học để xem một anh sinh viên mới từ « chuồng cọp» ra. Buổi họp diễn ra trong một giảng đường nhỏ. Anh nằm trên một cái băng ca quay mặt về phía chúng tôi. Giọng anh nhỏ nhưng đanh thép, anh kể những gì anh chịu trong tù và thế nào là chuồng cọp. Sự lý tưởng của anh làm mọi người yên lặng lắng nghe, vài ký giả báo đối lập đặt anh nhiều câu hỏi, câu nào anh cũng trả lời bằng nhiệt tình tâm huyết của mình. Anh nói anh từ miền Trung vào học, anh không làm chính trị, anh chỉ muốn công bằng xã hội và hòa bình. Lúc ra khỏi trường thì trời đã bắt đầu tối, ánh sáng còn quyến luyến một chút trên những hàng cây cao đường Hồng Thập Tự, trong đầu tôi dấy lên vài câu hỏi về quê hương, về thân phận.

Gần Tết Mẹ làm việc trễ hơn thường lệ. Hàng vải lúc này chạy vì các cô các cậu chịu khó theo mốt mới ăn mặc nhiều hơn. Có những tiệm may đo buổi sáng, giao hàng buổi chiều cho kịp giờ các cô đi nhẩy. Chung quanh tôi rầm rộ một thành phố ham sống, quay cuồng. Buổi tối hai Mẹ con cùng về. Qua sở Hỏa xa, ở đó có những người ở quê tránh chiến tranh lên ngồi bán từng bó rau, cọng hành kiếm sống. Mẹ tôi ghé vào mặc cả mua vài món đưa tôi cầm cho bà. Mẹ nói, sao mày dại quá vậy con, đua đòi chúng bạn làm gì cho Bố mày giận lên ông ấy đánh cho nên thân. Mà cái xe bao nhiêu tiền thế con. Mắt tôi lúc đó chắc sáng lên. Xe mới thì trăm tám, hai trăm ngàn gì đó, còn xe cũ chỉ khoảng trăm hai thôi. Bà không nói gì, chắc trăm hai vẫn còn đắt lắm. Hai ngày sau tôi đang ngồi đọc báo, Bố tôi cầm một gói giấy báo trao cho tôi, này cầm lấy mà mua xe. Tôi còn đang ngạc nhiên thì ông cười với tôi. Không phải hoàn toàn một nụ cười, mà là một nụ cười bằng mắt, chỉ khi nào lòng vui lắm ông mới biểu lộ bằng cách ấy. Tôi lí nhí nói mà không biết mình nói gì. Ông đi làm, tôi mở gói giấy ra, đủ một trăm hai chục ngàn.

Tôi bắt đầu đi kiếm xe, một trăm hai chục ngàn chắc mua được một cái xe Honda dame năm mươi phân khối chạy đã ba năm. Tôi hỏi thăm chỗ này chỗ nọ để xem giá cả. Nhưng trong lòng tôi bắt đầu nao núng. Có nên mua xe không trong lúc này ? Tôi phân vân, buổi tối đi với Mẹ về, tôi tránh con mắt bà nhìn tôi. Tôi có nói với Mẹ là có xe sẽ đỡ mệt hơn, sẽ có nhiều thì giờ để học hơn. Tôi biết tôi nói giối, trong lòng tôi lúc này không phải là vấn đề học, mà là chơi thôi. Mặc dù lúc đó tôi cũng chẳng có nhiều áo quần gì để đi chơi. Mẹ cho cái quần tây đi cắt, được một bộ vía để thỉnh thoảng đi chơi, nhưng tôi cũng ít khi mặc.

Tết năm ấy hai bà chị của tôi mở hàng bán trà ngoài chợ Sài-gòn. Gọi là « hàng» thì hơi quá đáng, nó là một chỗ nằm ngay ngoài đường giữa chợ, không bàn không ghế, mà chỉ là một khoanh đất trong đó phải gói ghém cho gọn gàng, để hàng họ, và những vật dụng cần thiết như chai nước, cái cà mên cơm để ăn trưa, hộp bánh bít-quy làm chỗ để tiền lẻ thối lại cho khách hàng. Chợ Tết lúc ấy chiếm hết bùng binh Quách thị Trang, cả ngày ra rả nhạc Hoàng Thi Thơ do cô ca sĩ hàng hiệu Thanh Lan hát, lại thêm khô cá thiều và kem Hynos, nghe nhức cả đầu. Hai bà chị dưới cái nón xùm xụp chống lại ánh mặt trời khắc nghiệt, ngồi cả ngày như thế. Trà Ban mê thuộc được người ta giao sĩ và bán ra lẻ. Bà chị lớn học luật còn bà thứ nhì đang lên đệ nhị, năm tới đi thi. Trà bán một tuần trước khi Tết, bán hết số trà giao thì cũng được ăn cái Tết dư giả nhưng không gọi là nhiều. Buổi tối từ hàng Mẹ ra tôi ghé thăm hai chị. Hàng bán được, hai chị cũng khấp khởi mừng. Buổi tối hôm hăm chín, đông người mua quá chị đếm tiền không xuể, thay vì trả lại người ta mấy bó giấy năm chục chị đưa họ bó năm trăm, bao nhiêu tiền lời công khó cả tuần bỏ biển. Chiều ba mươi tôi ra dẹp hàng, chị cả buồn buồn nói với tôi, thôi tiền đi thay người hả em. Chị tự an ủi chị mà như đang an ủi tôi. Tôi cười nói, ừ thì đi thay tiền. Chị định kỳ này lời chục ngàn cho em mua xe. Tôi nghe thấy nao nao.

Không có chiều nào buồn như chợ chiều ba mươi. Mọi hàng quán đã dẹp, ngổn ngang đây đó thùng mủng tơi tả khắp nơi. Trên nền chợ, vẫn còn nhiều hàng quán như chị tôi chưa dẹp xong. Ngay bên cạnh là một anh chị từ miền Trung vào, bạn hàng của chị. Người thanh niên là sinh viên khoa kiến trúc, mặt mày trí thức, đeo kính cận, giúp bà chị đẩy xe bán nước ra về. Năm nay anh chị ăn Tết ở đâu ? Không có tiền về em ơi, mà có về bây giờ cũng trễ rồi, về trển thì đâu có buôn bán gì được mấy ngày Tết, chị cười cười nói, thôi thì hai anh em ăn Tết với nhau. Nhìn người thanh niên đẩy xe trong chiều tà, lòng tôi buồn vô tả. Chiều nay tôi còn một mái ấm gia đình để trở về. Còn mấy người này ra sao ? Và củng còn cả trăm mảnh hồn như vậy chứ đâu phải chỉ có hai chị em nhà này đâu ?

Đêm Giao thừa năm đó tôi ý thức rằng mình đã lớn. Tôi ngồi chờ cây hương rỉ rả cháy và lòng vui như nhận được phong lì xì mới. Tôi đã quyết định rồi, tôi phải cố gắng xem lại sự học bê bối của mình trong năm tới, và sáng mai đây sẽ đưa trả lại gói giấy báo cho Bố tôi như món quà đầu năm cho Bố Mẹ.

Tình đầu tình cuối

Huỳnh Kim Hải

Nhà nàng đối diện nhà tôi,

Ở chung một xóm từ hồi ấu thơ,

Cùng nhau đi học i, tờ,

Với bao kỷ niệm ngây thơ, dại khờ,

Vô tư cười nói ngu ngơ,

Nhảy dây, cút bắt, chơi cờ ô quan,

Cùng nhau đùa giỡn miên man,

Hàn huyên, tâm sự, thở than khi buồn.

Đôi khi ngấn lệ trào tuôn,

Bị tôi trêu chọc, nàng luôn gục đầu,

Giận hờn, tức tửi, âu sầu,

Khiến tôi hoảng hốt, lo âu, vội vàng,

Băn khoăn ngồi xuống bên nàng,

Vỗ về, an ủi, nhẹ nhàng cười mơn,

Líu lo bày tỏ thiệt hơn,

Mong nàng hết giận, hết hờn tôi đây.

Ngoảnh trông đôi má hây hây,

Lệ hoen khoé mắt, sầu vây ngập lòng,

Đời tôi sống kiếp long đong,

Nổi trôi, phiêu bạt, bềnh bồng, lao đao,

Nhìn nàng chợt thấy xuyến xao,

Xót xa thương cảm, nao nao đáy lòng,

Cùng nhau thề nguyện, ước mong,

Tay trong tay nắm, hứa không xa rời.

Nào ngờ thế sự đổi dời,

Nàng đâu còn nhớ đến lời thề xưa,

Thuở cùng dang nắng, dầm mưa,

Bên nhau chẳng kể sáng, trưa hoặc chiều.

Lớn khôn, dung mạo mỹ miều,

Thay trường, đổi lớp, quen nhiều người hơn,

Nàng luôn sợ nỗi cô đơn,

Một ngày nắng đẹp, ôm đờn sang sông,

Bước lên thuyền trải chiếu bông,

Thẹn thùng, e ấp bên chồng đẹp đôi.

Lòng tôi thổn thức, bồi hồi,

Nàng vui duyên mới, hồn tôi rã rời,

Nhìn nhau chẵng nói nên lời,

Chỉ mong nàng sống trọn đời vui tươi,

Mắt môi rạng rỡ nụ cười,

Êm đềm, hạnh phúc bên người nàng thương.

Tôi về thoảng nhớ mùi hương,

Vẫn còn phảng phất, nhẹ vương bên đường,

Ngỡ ngàng, chua xót, tiếc thương,

Thẫn thờ chân bước lầm đường, lạc phương,

Nào ngờ gặp được tình nương,

Giúp tôi xoá nổi đau thương đoạn trường,

Cùng nhau xây tổ uyên ương,

Đắm say hạnh phúc, tình trường yêu đương,

Cùng tôi lang bạt tha phương,

Xá chi mưa nắng, gió sương đời thường,

Vì chồng trọn nghĩa tào khương,

Chăm lo, săn sóc, yêu thương bạn đường,

Trong ngoài mọi việc đảm đương,

Nuôi con khôn lớn, tình thương khôn lường,

Lắm khi lòng chợt nhớ thương,

Quê hương, cha mẹ, mắt thường lệ vương.

Lòng đang tưởng nhớ cố hương,

Chợt hay tin của người thương năm nào,

Bên chồng hạnh phúc ngọt ngào,

Cùng con, cháu nhỏ xôn xao quanh mình,

Đọc thư, ngắm ảnh, xem hình,

Khiến bao kỷ niệm thình lình trào dâng,

Khiến lòng nhung nhớ, bâng khuâng,

Tình đầu, tình cuối đã phân đôi đường.

Tâm hồn dịu lắng sầu thương,

Như cơn gió thoảng còn vương chút tình,

Người đang đón ánh bình minh,

Tôi nơi viễn xứ, lặng nhìn bóng đêm,

Ngoài sân bông tuyết trắng mềm,

Phất phơ trong gió, rơi êm ngập đường,

Đâu đây phảng phất mùi hương,

Tình xưa nghĩa cũ, mộng thường vấn vương.

Xuân đến

Nguyễn Năng Tín

Mùa đông ở một đất nước không có bốn mùa rõ rệt, chỉ có nắng và mưa, chỉ cảm nhận được với một chút se lạnh vào buổi sáng, những cơn mưa thưa thớt dần đi qua.

Mọi người đều thích mùa đông ở Saigon mặc dù ở đây thật sự không có mùa đông.

Đi ra đường thấy những chiếc áo khoát điệu đàng hơn của các cô gái, những chiếc áo ấm nhiều màu sắc trước các cổng trường thay vì chỉ có màu trắng đồng phục như thường ngày.

Khi mặt trời lên cao, những làn gió lạnh lướt qua nhanh nhường lại cho ánh nắng vàng rực rỡ, có khi đến chói chang.

Bên cạnh đó, cái không khí se lạnh buổi sáng ngắn dần lại là điểm báo hiệu cho mùa xuân sắp đến.

Thời còn đi học, ai cũng mong chờ ngày Tết như là thời gian sung sướng nhất cả năm.

Tết thì được nghỉ học lâu, được tiền lì xì, được ăn uống thoải mái, được mặc quần áo mới, được đánh bài hay chơi bầu cua cá cọp thả dàn mà không bị rầy…

Nó luôn là ký ức tươi đẹp của tuổi trẻ bất kể giàu nghèo, sống ở thành thị hay thôn quê.

Thậm chí ai đã từng ăn Tết ở quê lại càng nhớ hơn cái không khí đặc biệt này.

Tuy nhiên, sau này nghĩ lại mới thấy thời gian thích nhất không phải 3 ngày Tết ngắn ngủi mà là thời gian chuẩn bị cho Tết.

Đầu tiên là việc sữa sang sơn phết nhà cửa, rồi cái không khí chộn rộn mua sắm , cái náo nhiệt của các khu chợ , cái háo hức chờ đón ngày xuân đến luôn làm lòng mình nôn nao.

Nhớ lại thời đi học, cứ thấy Trưởng ban báo chí kêu gọi viết báo lớp, thấy mấy cô nữ sinh trường bạn qua bán báo xuân, thấy Trưởng Lớp và Trưởng ban văn nghệ loay hoay tổ chức Tất niên là những cảm nhận đáng nhớ nhất của mùa xuân sắp đến.

Có lẽ hạnh phúc lớn nhất thời tuổi trẻ chính là ước mơ và hy vọng những điều mong chờ sắp đến.

Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn cảm nhận thời gian tốt đẹp nhất trong năm là những ngày chuẩn bị đón mùa xuân đến.

Mặc dầu phải bận rộn nhiều hơn giải quyết công việc cho xong trước cuối năm, rồi phải chuẩn bị một ít cho nhà cửa, phải mua sắm chuẩn bị cho ngày Tết… nhưng khi kết thúc một năm, chính hy vọng và ước mơ một năm mới tốt đẹp hơn luôn là động lực của niềm vui và hạnh phúc.

Nhớ Ngoại


Huỳnh Kim Hải

Lòng nôn nóng, cháu nhanh chân trở lại,

Thăm cố hương, luôn mãi nhớ trong lòng,

Nhớ hàng dừa, rũ bóng mát bên sông,

Con đò nhỏ, giữa giòng trôi xuôi ngược,

Nhớ trăng sáng, lững lờ soi bóng nước,

Nhớ sương mai, đẵm mượt cánh sen hồng.

Nhớ bình minh, dần ló dạng phương đông,

Cha dậy sớm, ra đồng lo cày ruộng,

Mẹ xăng xái, cắt đầy ghe rau muống,

Vội chống chèo, kẻo muộn buổi chợ quê,

Mua trầu cau, vôi đỏ, sớm mang về,

Ngoại ngóng đợi, bên hè, sao thương quá…

Nhớ làm sao bóng dáng của ngoại già,

Cau trầu ngoáy, miệng bà nhai bõm bẽm,

Vôi đỏ thắm, tươi hồng môi móm mém,

Miệng nhồm nhoàm, gọn tém chút vôi tràn,

Lắm khi buồn, không một tiếng thở than,

Nhiều lúc khổ, lời phàn nàn chẳng thốt…

Những khi gặp gió mưa to, nhà dột,

Ngoại bảo rằng lúa tốt, trúng mùa to,

Gạo chất đầy kho, thóc chứa ngập bồ,

Nước tràn sân, chuyện nhỏ, có gì lo,

Tay xách thau, tay xách chậu, hát hò,

Hứng lệ trời, đổ cho đầy lu khạp…

Ngoại hiền lắm, mắt bà luôn ấm áp,

Lũ cháu thơ thường xáp đến bên bà,

Những trưa hè, gió thổi nhẹ từ xa,

Bà đưa võng, hát ca dao ngọt lịm,

Cháu mơ thấy giữa đồi hoa sim tím,

Được bà thắt đôi bím tóc thật xinh…

Cháu về đây, thấy ngoại sống một mình,

Mái tóc bạc, trắng tinh, lòng ái ngại,

Cháu ôm ngoại, ước bà luôn sống mãi,

Bà mắng yêu: cháu gái lớn, vẫn khờ,

Tay xoa đầu, miệng ngoại đọc câu thơ,

Ru cháu ngủ, câu hò, êm ả quá…

Tri Thiên Mệnh


Lê Học Lãnh Vân

Ngoài song vườn rợp lá xanh

Đỏ cành hoa giấy long lanh nắng trời

Nổi trôi muôn đợt sóng đời

Hồ con in bóng mây trời bình yên…

Tiếng thác trên cao

Lê Văn Truyển

Một kiếp sống, một đoạn đường lây lất

Một đêm dài nghe thác đổ trên cao

Ta bước vội qua dòng sông biền biệt

Ðợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao

Một buổi sáng mắt bỗng đầy quá khứ

Ðường âm u nối lại mấy tiền thân

Ta đứng mãi trên suối ngàn vĩnh viễn

Mộng vô thường máu đỏ giữa hoàng hôn.

(thuợng tọa Tuệ Sỹ, 2006)

Trời vừa sang canh hai, sư cụ đã thức giấc ra khỏi tọa sàng để sửa soạn đỉnh lễ công đức sớm. Tiếng thác từ sau chùa vẫn đổ, đập đều đều như tiếng nhạc muôn năm của ngọn núi sừng sững bao quanh thung lũng. Dòng thác rơi xuống dưới kia, chảy ngoằn ngoèo rồi nhập vào dòng sông nhỏ, trông đẹp như tranh vẽ. Ngôi chùa nghèo ở đó từ bao nhiêu năm không ai biết, đã bao đời sư trụ trì cư ngụ rồi viên mãn nơi đây. Đều đều như tiếng thác rơi, mùa mưa rầm rập, mùa khô nhẹ nhàng như tiếng hát làm khách du ngoạn đến đây tưởng mình như đang ở trên tiên.

Sáng nay sư cụ dậy sớm như mọi ngày. Nói là ngôi chùa nhưng thực ra chỉ là một gian nhà ngói mái cong, chính điện chiếm hơn nửa gian, bày biện sơ sài với bức tượng phật bằng gỗ do chính nhà sư tạc lấy. Một bức hoành phi có lẽ viết chữ « thiên vân tự » đã mòn với thời gian. Đằng sau là nơi tham thiền cũng là nơi sư cụ qua đêm, vỏn vẹn một chiếc chiếu đã sờn, chỉ trải ra vào lúc ban đêm. Đường lên chùa ngày thường vắng vẻ. Ngày rằm hay mồng một, người ta lên chùa làm lễ, từng đoàn người dắt díu nhau trên con đường khúc khuỷu lên trên núi trông rất vui mắt. Cả trẻ con lẫn ông bà già cả, đó là một lúc được nghỉ ngơi và lên non thắng cảnh. Họ nhìn xuống làng xóm dưới kia và tưởng như mình đang ở chốn niết bàn đâu đó.

Cụ ra sân múc nước trong cái vại, lau mặt cho tỉnh táo rồi chuẩn bị mặc áo tràng vào ngồi thiền. Bên dưới, thung lũng vẫn còn mù mịt, có chút ánh đèn leo lét trong xóm của nhà nào chắc có chuyện gì chưa tắt. Gió đêm miên man thổi trên hàng cây soan trước cửa chùa, làm rung nhẹ những cành lơ thơ lá. Đêm yên bình của làng xóm dưới kia, tưởng như không bao giờ có chuyện gì làm xáo động được những cư dân ở đó.

Khi sư cụ xoa tay lên mặt rồi đảnh lễ, là lúc cụ đã thiền xong. Trời vừa bắt đầu hừng đông, nhìn về phía bên kia núi đã thấy ánh mây hồng phơn phớt. Cụ ra sân thỉnh chuông công phu sớm. Tiếng chuông chùa ngân vang trên thung lũng, la đà rớt xuống dòng sông như một làn khói mỏng. Tiếng chuông êm đềm trong sương sớm, át cả tiếng thác rơi sau chùa. Đã bao nhiêu lâu rồi tiếng chuông chùa tỏa ra như thế mỗi sáng, người ta không còn nhớ. Chỉ biết lúc sư trụ trì trước mất đi, người thanh niên giúp sư mỗi ngày ở đấy thọ quy y rồi xuống tóc ở lại giữ chùa. Tiếng chuông ấy không bao giờ biến mất, vẫn đều đều rơi xuống như một phép mầu tỏa xuống từ thinh không, hơn thế nữa, từ trời cao để độ trì cho thôn xóm. Người thanh niên ấy nay đã trở thành sư cụ trụ trì, một mình vò võ trên núi cao với ngôi chùa khuất sau một làn cây.

Cũng như mọi sáng, sư cụ sẽ xuống gần một ngàn bậc để đến được giòng sông, rồi từ đó ông sẽ qua khu nhà dân khất thực. Cái bình bát đơn giản là cái vỏ dừa khô đã bao năm. Làng nghèo nên không bao giờ bình bát được thong dong, vẫn đều đều lưng chén cơm trắng và vài miếng đậu phụ nước tương đen. Bù lại, sư cụ bốc thuốc cho cư dân đau ốm, và phần lớn các trẻ trong làng đều qua lớp vở lòng trên chùa trước khi vào lớp một trên trường huyện. Lại nữa, cụ cũng trồng trọt trên núi cao, nào rau nào đậu cho người làng lên lấy xuống mà dùng hay đem bán giúp để tu sửa chùa hay bố thí người nghèo.

Sư cụ đi chầm chậm trên con đường nhỏ, mỗi bước chân là một nguyện cầu. Cụ ý thức khi ngón chân cụ đặt xuống mặt đường đất, ướt hay khô. Sự ý thức làm trong sáng tâm linh, cụ hoàn toàn chăm chú trên những bước chân. Hơn cả ý thức, đó là sự tỉnh thức của từng hành động, dù nhỏ nhoi đến đâu. Không có một cử chỉ thừa, cả tâm linh cũng thế, cụ đã quán triệt thiền cả trong trí óc. Con đường dài nhưng không dài với người biết mình đi đâu và làm gì ở từng thời điểm. Nắng bắt đầu lên sau rặng núi đằng xa, sương đêm tan ra hòa vào cảnh vật. Một ngày đẹp trời.

Cụ rảo bước qua chợ vừa mới họp. Những người mộ đạo và chuyên cần bố thí chờ cụ ra. Họ chia nhau để không có ngày cho nhiều và ngày không có ai cho. Chợ làng một tuần nhóm một lần, nhưng những ngày thường vẫn có người buôn bán lẻ, cho nên không thiếu thức ăn. Chỉ những hôm mưa dầm dề hay bảo tố qua đây thì không có gì cả. Cụ nhịn đói, lâu dần cũng quen.

Hôm nay cụ vào sâu trong làng khúc hẻo lánh nhất vì có người ốm nặng, không chắc đã qua. Lúc xong xuôi chiều cũng bắt đầu tàn. Những đọt nắng vẫn còn lơ lững trên cao, sư cụ đi về phía bờ sông rồi qua chiếc cầu gỗ mong manh mới đến chân núi. Lòng cụ hôm nay cũng chòng chành vì cảnh tang gia. Sinh tử là chuyện sắc không, nhưng mỗi lần chứng kiến vẫn làm người tu hành sao động, ít hay nhiều. Cụ chú tâm niệm, “tâm bồ đề kiên cố, xa bể khổ nguồn mê, chóng quay về bờ giác“.

Cụ đi lần bên giòng sông, nước sông sóng vỗ nhẹ bên bờ, xa xa các cô phù sảo đang ngồi giặt lụa từng nhóm nhỏ, họ tát nước chòng ghẹo nhau. Những thanh lụa mỏng thấm nước trôi bập bềnh óng ả. Chiều xuống nhẹ nhàng. Bên kia sông đã lờ mờ hơi sương. Cụ đi ngang qua đàn con gái ấy, vẫn với tỉnh thức thiền tông. Một cô gái bông đùa không để ý, một bên ngực bầy ra. Một bầu sữa nõn nà thoát ra từ cánh áo của một cô gái có đôi má hồng hồng, ánh lên trong ánh chiều hôm. Cả một quá khứ rùng rùng hiện về dù cụ không muốn nhớ. Đó là hình ảnh người con gái đã sắp thành hôn thê với chàng thanh niên ngày mai lên đường thi hành nghĩa vụ. Chuyện đã bao năm rồi như ở tiền kiếp xa xưa. Họ yêu nhau say đắm và thề sẽ ở đời ở kiếp với nhau khi đất nước thanh bình. Họ đã dắt nhau ra ngồi bên nếp nhà cỏ xem ngày xuống bên dãy ruộng bỏ hoang. Mặt trời rơi về phía xa xa, ánh trăng mười sáu như cô con gái sáng ngời bên cạnh. Họ đã hôn nhau say đắm và chìm trong đam mê, nổi đam mê của những người yêu nhau phải xa nhau. Ánh trăng trên đầu chứng kiến cho tình đầu của họ, trăng mông mênh, trăng chan chứa tình yêu tuyệt vời của đôi tình nhân trẻ. Chiến tranh tàn, sống sót trở về, anh về lại làng xưa. Người yêu cũ không còn nữa. Anh chán đời lang thang, lên núi và sống bên cạnh nếp chùa. Anh canh tác miếng đất cạnh chùa, anh đốn củi, làm tất cả mọi việc để quên nổi muộn phiền. Anh sống thanh đạm với mái chùa, nghe câu kinh tiếng kệ và nhập thiền môn lúc nào không biết. Đã bao năm qua rồi anh không còn nhớ, thốt nhiên chiều nay bóng hình quá khứ áo ạt quay về. Niết bàn là đâu nếu không phải là niềm tin yêu về đồng loại, về chúng sinh trong cõi ta bà. Và trong số chúng sinh, người ta có thể vị kỷ để yêu thêm một người như bằng cớ thật sự của tình yêu. Nếu tôi không yêu Em, sao tôi có thể yêu tha nhân, sao tôi phải đi kiếm niết bàn? Sắc tức thị Không. Không tức thị Sắc. Đâu là tình yêu trong cõi vô biên nếu yêu không có đối tượng cụ thể nào ? Đức Thế Tôn, ngài cũng đã ngần ngừ khi bỏ vợ đẹp con khôn lên đường tìm đạo sáng cứu chúng sinh. Ngài đã ra đi trong đêm tối không lời từ giã gia đình, cái gì đã thôi thúc ngài như thế ?

Sư cụ đã đi qua cầu về bên kia sông. Chiếc cầu bồng bềnh dưới bước chân nhẹ nhàng của kẻ tu hành. Áng trăng đêm nay không đủ soi vạn vật, đêm tối đã bao trùm thung lũng. Nhà sư nghe tiếng thác đổ trên cao. Tiếng thác đêm nay rào rạt như sóng đổ. Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế. Tiếng thác gầm thét, ào ạt che lấp tiếng kinh. Nhà sư nghe tiếng mỏ dồn dập, tiếng chuông dóng lên inh ỏi, nhưng không làm tắt đi tiếng thác lanh lãnh trong đêm thâu. Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế. Thác lại dồn dập đổ. Thác ầm ầm. Ấm ầm như tiếng thiên thu gọi. Đêm tối, nhà sư đi loanh quanh không tìm thấy đường về lưng núi, nơi có ngôi chùa của cụ mỗi ngày. Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Lại chỉ có tiếng thác kêu gào. Ngôi chùa lơ lửng trên kia nhưng con đường về nay nơi đâu ? Hạnh phúc ở đâu nếu không là ở trong tâm. Anh đã bỏ cả cuộc đời đi tìm chính giác. Nhưng chính giác ở đâu ?

Khi trời hừng sáng, người ta thấy nhà sư chết ngồi trong tư thế tham thiền nhập định, đôi mắt khép hờ nhưng trên môi như mỉm cười mãn nguyện.

Mười năm thương nhớ


Huỳnh Kim Hải

(Thân tặng hai bạn Ngọc & Thanh)

Lại một mùa xuân nữa sắp quay về,

Khiến ta chợt nhớ quê hương, cha mẹ,

Nhớ bạn cũ, nhớ thầy cô, thuở bé,

Những bóng hình, dáng vẻ, nét yêu thương.

Khiến ta nằm thao thức suốt đêm trường,

Nén bao nỗi nhớ thương, hồn ray rức.

Nhớ cha mẹ, xót xa, lòng thổn thức,

Nhớ thầy cô, bức rức, dạ xốn xang,

Nhớ trường xưa, xao xuyến, trí mơ màng,

Nhớ bạn cũ, miên man, tâm héo hắt,

Nhớ quê hương, quay quắt, dạ héo hon,

Nhớ em yêu, đang ngóng đợi, mỏi mòn.

Trót yêu anh, em giữ dạ sắt son,

Dù xa cách, em tròn lòng chung thủy,

Ủ trong tim, một tình yêu, cao quý,

Giấu vào lòng, bi lụy, nỗi đoạn trường,

Nuôi con thơ, tận tụy sức đảm đương,

Lo sinh kế, tỏ tường tài tháo vác.

Làn tóc đẹp, nắng khô, sương điểm bạc,

Thân ngọc ngà, xơ xác, chí kiên cường,

Mắt môi em, đầy ấp, nỗi nhớ thương,

Bao khổ nhọc, khôn lường, vai trĩu nặng,

Nuốt hờn tủi, nghẹn ngào, lòng cay đắng,

Mười năm dài, lệ mặn, ướt tim côi…

Ta bên nhau, nỗi nhớ khuất xa rồi,

Men hạnh phúc, giao bôi, say ngây ngất,

Nhẹ mơn trớn, xác thân, run bần bật,

Khẽ vuốt ve, hồn ngất lịm, đê mê,

Trao ái ân, vui tình nghĩa phu thê,

Tròn mộng ước, vẹn thề xưa, hẹn cũ.

Mưa rào rạt, thì thào lời lạc thú,

Gió vi vu, thầm nhủ tiếng ái ân.

Trăng thắm tình, sáng tỏ mảnh trăng trần,

Hoa đượm sắc, hoa dâng hương ngào ngạt,

Lá xào xạt, reo vui trong gió mát,

Cỏ mượt mà, hoan lạc tắm sương khuya.

Hồn Xuân

Đoàn Hùng Sơn

Mỗi năm, cứ vào đêm giao thừa, tôi luôn ở trên sân thượng, tập trung vào tất cả các giác quan của mình để cảm nhận giây phút chuyển giao của đất trời của năm cũ và năm mới, và thấy một sự tĩnh lặng tuyệt vời cả bên ngoài và bên trong, thấy mình được tiếp nhận một nguồn năng lượng vô biên của vũ trụ làm tăng thêm sức mạnh tiến bước vào năm mới.

Sau đó là sự thưởng thức màn trình diễn pháo hoa sáng rực ở phía xa vào đúng 12 giờ khuya. Lúc ấy tôi thấy thật hạnh phúc và sung sướng vô cùng! Đó là lúc thư giãn tuyệt vời mà tôi không bao giờ bỏ qua! Thực ra tôi cũng chỉ có được tâm trạng tốt đẹp như thế này là nhờ vào sự cảm nhận nơi sức mạnh tâm linh ở vài năm gần đây mà thôi.

Lúc trước khi còn phải lao vào kiếm sống cật lực, tôi rất duy vật. Và mỗi lần năm hết Tết đến, cũng như nhiều bạn đồng lứa đồng tuổi, tôi thường cảm thán về gánh nặng thời gian chồng chất thêm một tuổi, để rồi thấy mình đã phải dần dần biết đến chữ “GIÀ”.

Chỉ khi tình cờ đọc được bản dịch của cuốn sách “Knock and the door will open” của Jeffrey A.Wands, tôi mới ngộ ra được nhiều điều, và kể từ đó cuộc sống của mình cũng thấy thư thái, nhẹ nhỏm hẳn, thấy mọi sự đều dễ dàng. Cuốn sách chỉ ra 6 chìa khoá “tâm linh” làm giàu cho cuộc sống bản thân.

Tôi nghĩ mãi về cái “tâm linh”, về sự hiện hữu của nó quanh mình để rồi dần dần cảm thấy được nó. Tôi mới thấy là tại sao khi lần đầu tiên bước vào các căn nhà hay các căn phòng nào đó, có cái cho ta cảm giác thân thiện, yêu mến, hoà đồng, còn có cái lại cho ta cảm giác lạnh lẽo, xa cách dù có khi nó bày trí rất sang trọng, mắc tiền!Cũng tương tự như vậy khi ta vào phòng ở hotel, hay đến một restaurant nào đó .

Lúc trước tôi chỉ biết tự mình lý giải cho cái trực giác này bằng chữ “hợp” hay là”không hợp”, và qui cho vào một chữ ” cơ duyên”. Bây giờ thì tôi đã có cái cảm nhận sự tiềm ẩn phần linh hồn ở mọi thứ mà tôi sở hữu, từ đó thấy thương yêu trân trọng chúng và thấy rằng chúng cũng đáp ứng lại cho mình tương ứng.

Quả thật là tôi đã thấy thoải mái khi làm việc, thấy phấn chấn và thành công trong cả từng việc nhỏ, không còn bị những vấp váp gây bực mình nữa.

Khi tôi cho đập căn nhà tôn vách ván củ kỹ của mình để xây lầu lên, ba tôi lên ngôi chùa thân quen, mời được vị sư đến chỉ bảo cho tôi cách cúng kiến trong lễ động thổ. Trước khi tôi cúng hành lễ, ông khuyên tôi nhập tâm thành kính khi cầm nhang khấn vái, khi cầm búa gõ xuống đất 3 cái. Quả thật lúc đó tôi đã có cảm nhận sự giao tiếp với cái hồn của đất đai, của nhà ở của mình.

Và trong quá trình làm nhà, mỗi đêm tôi đều đem mùng mền chiếu gối đến ngủ để trông chừng nhà, chỉ một mình mình, với 1 cây đèn pin bên mình, và không cần thắp sáng một ngọn đèn nào cả! Tôi đắm chìm trong bóng tối hoàn toàn mà vẫn không bao giờ thấy sợ hãi ma cỏ gì cả, và đã ngủ rất ngon, vì biết mình đang ở tại đất nhà thân thương gắn bó bao nhiêu năm với mình. Nhà của tôi bây giờ đã là tổ ấm thực sự. Dù đi bất cứ nơi đâu, tôi vẫn thấy là được ngủ trên chiếc chiếu nhà mình là có giấc ngủ ngon nhất!

Đến giờ này, đến từng tuổi này mà tôi vẫn thấy lòng vui vẻ, nô nức khi Tết đến. Tôi vẫn chưa thấy mình là già, và chưa có cảm giác già. Hiện giờ tôi thấy mình rất hạnh phúc.

Tôi cứ tưởng tuổi già …


Võ Thiện Tân

Tôi cứ tưởng tuổi già thì tẻ lạnh

Ngại ngày mùa năm tháng lướt qua nhanh

Sợ gió mưa làm náo lọạn tâm hồn

Sợ tóc bạc da mồi trong hiu quạnh

Bỗng chợt thấy cái già không có tuổi

Chẳng buồn phiền, mà trái lại càng vui

Từng bước nhỏ thấy ngày thêm rực rở

Nét phù du, ôi sao quá tuyệt vời!

Tôi cứ tưởng tuổi già trời đen tối

Xuân vắng hoa, môi đã tắt nụ cười

Hoa không nhạc, cành cây trơ trụi lá

Sách một mình, ngòi bút cũng lẻ loi

Nhưng bỗng thấy về già TÂM tự tại

“Ngay bây giờ” đâu cần biết ngày mai

Quá khứ xưa cũng chẵng nhớ làm gì

Mặc thời gian, nguồn thơ tuôn chảy mãi

Tôi cứ tưởng về già hồn sầu não

Không còn ngồi để ngắm những vì sao

Trái tim khô sẽ cạn lửa nhiệt nồng

Bỏ mặc tôi qua bao cơn giông bão

Rồi lại thấy những hoa hồng nở rạng

Lúc vào thu dưới ánh mắt hân hoan

Tôi hít mạnh mùi hương kỳ diệu đó

Giữ cho lòng nồng ấm tuổi vào thu

Võ Thiện Tân

LA, ngày cuối năm Tân Mão

Je croyais que vieillir me rendrait bien maussade,

Craignant chaque saison, les années, le tapage,

Le grand vent et la pluie, l’esprit qui se dégrade,

Les cheveux clairsemés, les rides du visage.

Et puis je m’aperçois que vieillir n’a pas d’âge,

Qu’il ne faut point gémir, au contraire chanter

Et même, à petits pas, les jours ont l’avantage

D’être beaux et trop courts quand ils sont limités.

Je croyais que vieillir c’était le ciel tout gris,

Le printemps sans les fleurs, les lèvres sans sourire,

Les fleurs sans chansons, les arbres rabougris,

Un livre sans histoire, un crayon sans écrire.

Et puis je m’aperçois que vieillir rendre bien sage,

Que je vis chaque instant sans penser à demain,

Que je ne compte plus les années de mon âge,

Peu importe le temps, le crayon à la main.

Je croyais que vieillir transformerait mon âme,

Que je ne saurais plus comtempler les étoiles,

Que mon cœur endurci n’aurait plus cette flamme,

Qui transforme la vie lorsque le ciel se voile.

Et puis je m’aperçois que les plus belles roses

Fleurissent à l’automne et sous mes yeux ravis,

Je respire très fort ce doux parfum que j’ose

Garder pour embaumer l’automne de ma vie.

Marcelle Paponneau

(La voix de l’Hospitalité)

Mùa Xuân, Thăm Làng Thư Pháp Saigon

Dương Hòa Minh

“Mỗi năm hoa đào nở,

Lại thấy ông đồ già,

Bày mực tàu, giấy đỏ

Bên phố đông người qua…”

(Ông đồ – Vũ Đình Liên)

Ngày Tết không thể thiếu “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ; cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Vì vậy, trong ký ức mỗi chúng ta, hình ảnh Ông đồ già khăn đóng áo the với mực tàu, giấy đỏ viết câu đối ngày Tết chắc khó phai mờ. Nhưng ông đồ ngày trước viết thư pháp theo kiểu chữ Hán , phổ biến như “cung chúc tân xuân”, “tân xuân phát tài”, “phúc, lộc, thọ”…Còn ông đồ thời @ thì viết thư pháp kiểu chữ Việt nhưng cũng thu hút rất nhiều khách thập phương tới đặt hàng.

Không biết làng thư pháp Sài Gòn (góc đường Trương Định – Điện Biên Phủ Quận 3) hình thành từ lúc nào mà những ngày cận Tết, khoảng trăm “ông đồ” tới đây trải chiếu ngồi viết thư pháp.Họ dùng bút lông,chấm mực tàu, viết chữ trên các loại giấy tốt hay vải lụa, theo những phong cách khác nhau. Trong nghệ thuật Á Đông có năm cách viết là Chân(hay còn gọi là Khải), Triện, Lệ, Hành và Thảo với những quy luật đăc trưng về đường nét, cách viết.

Từ ngày mùng mười tháng chạp Âm lịch trở đi cho tới ngày 29 Tết thì “Phố thư pháp Sài Gòn” càng đông vui như ngày hội. Người xưa có câu;”trăm người bán, vạn người mua”, người ta cũng đổ xô về phố thư pháp để chọn cho mình một vài bức theo sở thích.Thôi thì đủ hạng người; già, trẻ, nam thanh, nữ tú dập dìu. Họ bình phẩm , ngắm nghía, khen ngợi những bức thư pháp lạ, độc đáo. Có người thì dạo qua dạo lại, mong tìm gặp lại người quen có nét bút tài hoa năm trước đã “múa” lên những tác phẩm tuyệt tác. Có người ngồi hàng giờ trước những bức thư pháp có lối viết độc đáo, sáng tạo.

“Hoa tay thảo những nét,
Như phượng múa rồng bay!”

Các ông đồ, đa số còn trẻ, cũng tay bút, tay mực, mỗi ngày từ khoảng 8 giờ sáng, bắt đầu trải chiếu hành nghề. Họ ngồi dọc theo lối đi, trật tự, không ồn ào, không phô trương. Họ mỉm cười chào mời mỗi khi có khách ghé qua. Những bức thư pháp người ta ưa chuộng thường là chữ “Tâm”, chữ “Nhẫn” “Phúc, Lộc, Thọ”, có khi cả một câu đối, chữ nghĩa rất chỉnh:” Ngào ngạt mùi hương, dẫu tại đất người, không mất gốc, Lung linh ánh lữa, dù xa quê cũ, chẳng quên nguồn.” Người xem cũng có phong cách rất văn hoá, họ không ồn ào, không chen lấn xô đẩy nhau mà chăm chú nhìn, ngắm, thầm thì trao đổi với nhau, thỉnh thoảng cười khúc khích hay đấm vai nhau, cười phá lên…

Dạo chơi làng thư pháp trong những ngày cận Tết cũng là một thú chơi tao nhã thanh cao. Lòng ta như lắng đọng lại hay bay bỗng với chữ, với thơ. Chợt nhớ Ông Cao Chu Thần ngày trước vì cảm kích trước sự đãi ngộ của người giữ ngục mà phóng tay ban chữ trước khi ra pháp trường hay nhà thơ Yên Đỗ cứ mỗi khi năm hết, tết đến lại khai bút mừng xuân! Những bức thư pháp ngày nay như là những nhành xuân, tô điểm cho bức tranh xuân thêm hương, thêm sắc. Vì vậy, sau những ngày tết cổ truyền của dân tộc, phố thư pháp Sài Gòn, tuy không còn nhộn nhịp, đông vui, vẫn không hề vắng bóng người qua, kẻ lại…

Xin bấm vào đây để xem thêm hình

Em sắp về

Nhan Quan Bảo

“Anh biết em đi chẳng trở về
Dặm ngàn liễu khuất với sương che
Em đừng quay lại nhìn anh nữa
Anh biết em đi chẳng trở về.”

Đây phải chăng là câu trả lời cho câu hỏi:
“Nếu biết rằng tôi sắp lấy chồng
Trời ơi! người ấy có buồn không?”

Qua những câu thơ này làm lâng lâng trong lòng người đọc, hoàn cảnh éo le khi yêu một người mà lấy một người, rồi hằng đêm ngắm sao và thổn thức:
“Người ở phương trời ta ở đây;
Sầu mong phương nọ, ngóng phương này
Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm,
Vạn lý sầu lên núi tiếp mây”

Và lần về những con đường em đi nhặt từng viên sỏi, xoáy mình vào kỷ niệm:
“Thôi đã tan rồi vạn nét hương,
Của người đẹp đến tự trăm phương
Xa rồi những bước không hò hẹn
Đã bước lầm nhau một nẻo đường”

Nhưng dẫu có yêu một và lấy chỉ một người đi nữa, thì trong phức tạp của cuộc sống hiện đại, không ai lại thoát được tư vấn, phải chăng là:
“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở
Đời mất vui khi vẹn câu thề”

Chúc các bạn những ngày luôn luôn được thuận hoà trong cuộc sống. Tạm dừng bút nhé vì… Em sắp về

Anh biết rằng em sắp trở về,
Lau nhà, rửa chén sợ em chê,
Canh chua, cá hấp anh nấu sẵn,
Anh biết rằng em sắp trở về.

Chẳng phải tại em chẳng tại anh,
Dẫu khi em giận, mặt anh xanh,
Dẫu khi em trách, anh nhận lỗi,
Chẳng phải tại em chẳng tại anh.

Giữ trọn thơ tình em đã ghi,
Những lời nhỏ nhẹ buổi xuân thì.
Lâu em quen nhắc lời xưa ấy,
Giữ trọn thơ tình em đã ghi.

Nhớ phút ban đầu tiếng ai ân,
Giờ anh đến tuổi sắp long gân,
Mặt nhòa, tóc bạc, chân run rẩy,
Nhớ phút ban đầu tiếng ai ân.

Chẳng phải tại em chẳng tại anh,
Chỉ vì duyên số phải nên đành,
Nhớ em mong mãi em bên cạnh,
Chẳng phải tại em chẳng tại anh.

Anh biết rằng em sắp trở về,
Cửa nhà sửa soạn rất xum xuê,
Hoa tươi, hồng đỏ chờ em đó,
Anh biết rằng em sắp trở về.

Em đã về

Trần Công Thành

Chúa nhật tuần rồi, trời Paris mưa, được Tân dẫn đi nghe nhạc Trịnh Công Sơn ở Vitry-sur-Seine, có mấy ca sĩ Việt Nam sang nhưng quan trong hơn là có gặp một ca sĩ rất ăn mắt. Hỏi ý kiến Tân ra sao, thì Tân nheo mắt nói liền “được quá chớ còn muốn gì nữa”. Thế là mấy tiếng đồng hồ mơ màng say sưa theo tiếng nhạc, lái xe về nhà dù kẹt xe mấy tiếng vẫn chưa tỉnh, nhưng về nhà thì chợt thấy … Em đã về

Anh biết rằng em đã trở về
Cửa nhà đã khóa, đoạn phu thê
Valise áo veste anh ngoài cửa
Anh biết rằng em đã trở về

Em nhớ làm chi phút ái ân
Áo em bật nút, ngực em nâng
Tay anh lúng túng bung từng nút
Em nhớ làm chi lúc ái ân

Trên giấy gởi tòa em đã ghi
Anh không còn ở tuổi xuân thì
Lại không chiều chuộng, không tiền nữa
Trên giấy gởi tòa em đã ghi

Chẳng phải tại em, chẳng tại anh
Tại vì anh ấy rất thông manh
Lại dân P Ký, lương nhiều nữa
Chẳng phải tại em chẳng tại anh

Dẫu biết tình ta sẽ phải tàn
Vẫn luôn nhung nhớ lúc miên man
Tim anh em giữ, tiền em cất
Dẫu biết tình ta sẽ phải tàn

Anh biết rằng em đã trở về
Tình ta đã hết lúc đam mê
Thôi thì tạm biệt, anh đi nhé
Anh biết rằng em đã trở về