PHẦN HAI
Lời mở đầu
Như một tuần hoàn bất biến của vũ trụ, mùa Xuân lại trở về với chúng ta.
Những ngày đón xuân háo hức bồng bột của thời trai trẻ đã được thay thế bằng sự trầm tĩnh chín chắn của tuổi “tri thiên mệnh”, bằng niềm vui lâng lâng khi thấy thế hệ sau bắt đầu trưởng thành, bằng nỗi hân hoan vì đã nối lại tình thân với những người bạn cũ. Và cũng để ý thức rằng mỗi ngày là một mùa Xuân, mỗi ngày đến là một tặng vật của đất trời. Đón Xuân, là đánh dấu vào cột thời gian, một dấu mốc mới cho chúng ta gửi gấm niềm tin yêu từ đấy để thăng hoa. Vì thế, dù bận bịu đến đâu, hãy ngừng tay để nhìn lại nhau và để nhìn lại chính mình.
Tờ báo này do các bạn đóng góp bài vở là món quà gửi tới anh em khắp mọi nơi nhân những ngày Tết Quý Tỵ. Xin hãy xem đây là một chỗ dừng chân để tất cả chúng ta nghỉ ngơi trong mùa Xuân mới, trước khi tiếp nối chặng đường sắp tới.
Xin cảm ơn các bạn đã tham gia báo Xuân. Thân chúc các bằng hữu và quý quyến một năm mới an khang và thịnh vượng.
Phạm Văn Đình – Nguyễn Văn Hùng – Nguyễn Năng Tín – Lê Văn Truyển
Xuân hội ngộ 2013 – Vui tình bằng hữu
Mục lục
PHẦN MỘT
Lời mở đầu (Ban Biên Tập)
Sớ Táo Quân (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Về thăm trường cũ (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Xuân này tôi về quê ăn Têt (văn, Trần Công Thành)
Ba Đoản Khúc (thơ, Nguyễn Văn Hùng)
Ngư ông trên biển (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Tỏ tình qua các thời đại (văn, Nguyễn Tấn Phước)
Áo yếm (thơ,Thanh Nàng Dâu P.Ký Bữu Ngọc)
Cái tát (văn, Lê Văn Truyển)
Tình đầu tình cuối (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Xuân đến (văn, Nguyễn Năng Tín)
Nhớ Ngoại (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Tri thiên mệnh (thơ, Lê Học Lãnh Vân)
Tiếng thác trên cao (văn, Lê Văn Truyển)
Mười năm thương nhớ (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Hồn Xuân (văn, Đoàn Hùng Sơn)
Tôi cứ tưởng tuổi già… (thơ, Võ Thiện Tân)
Mùa Xuân thăm làng thư pháp Sài Gòn (văn, Dương Hòa Minh)
Em sắp về (thơ, Nhan Quan Bảo)
Em đã về (thơ, Trần Công Thành)
PHẦN HAI
Chúc Xuân (thơ, Huỳnh Thanh Tân)
Vậy Hả và Vậy À (văn, Võ Văn Tiến)
Vài bâng khuâng của cuộc đời (văn, Trần công Thành)
Tạp bút (văn, Lê Văn Truyển)
Đón Xuân (thơ, Thanh Nàng Dâu P Ký Bữu Ngọc)
Cháu ngoại, Ninh tỉnh dĩ trí viễn (văn, Bùi Quang Vinh)
Ước vọng (văn, Lê Trung Châu)
Gái Gia Long & Trai Petrus (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Tranh vui (Cao Minh Bửu Ngọc)
Tản mạn cuối năm (văn, Phạm Văn Đình)
Một thoáng nhìn lại mình (văn, Nguyễn Hữu Phước)
Đón mừng Xuân (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Thế nào là người có đạo đức (văn, Nguyễn Tấn Phước)
Du-lịch cuối năm (văn, Lê Hữu Trí)
Lãng tử hồi đầu (thơ, Huỳnh Kim Hải)
Nửa Xuân, Mai và rượu (thơ, Lê Học Lãnh Vân)
Vết lệ nhòa (văn, nhạc, Lê Văn Truyển)
Vui tình bằng hữu (văn, Nguyễn Văn Hùng)
Cảm nghĩ đầu xuân của các bạn.
Chúc Xuân
HuỳnhThanh Tân
![]() |
Cung Chúc Tân Xuân
Cung tiển mọi điều xui,
Chúc mừng vạn niềm vui.
Tân niên ngàn lộc mới,
Xuân tới triệu nụ cười. |
|
Vạn Sự Như Ý
Vạn sắc xuân bừng dưới ánh mai Sự tình P.Ký lớp B2 Như nước đại dương luôn xanh thẳm Ý tình nồng thắm mãi không phai. |
Vậy Hả và Vậy À
Võ Văn Tiến
Truyển và các bạn hay nói đến Thiền. Không biết mình đạt cảnh giới của Thiền Đạo cao đến mức nào. Có điều chắc chắn, thời gian qua, mình còn “tệ” hơn một nhà sư, trong câu chuyện Thiền mình được nghe từ lâu lắm rồi.
Không biết vào thời gian xa xưa nào, ở một xứ sở Phật Giáo, có một ngôi chùa tọa lạc trên một đỉnh núi, ở khá gần một ngôi làng nhỏ. Trong làng, một phú hộ rất giàu, có một đứa con gái độc nhất.
Cô gái lỡ dại, có chửa hoang với ai đó. Suốt cả năm, bị người cha hăm dọa đuổi ra khỏi nhà, nếu không nói thật thủ phạm là ai. Cuối cùng, cô gái bí quá, liền vu oan rằng thủ phạm là nhà sư tu trì ở ngôi chùa trên núi. Lúc đó, đứa bé con cô gái đã 1 tuổi. Thế là, ông phú hộ, cô con gái ẳm đứa con 1 tuổi, cùng nhiều dân làng kéo lên núi, gặp nhà sư. Họ la hét, chỉ trích thậm tệ đối với nhà sư cao đạo kia. Cuối cùng, cô gái nói “đứa bé này là tội lổi của ông, vậy ông hãy giữ lấy và nuôi nó !!!”
Nhà sư cao đạo, không màng tranh cải, chủ yếu là cứu vớt sinh linh nhỏ bé kia, chỉ đơn giản trả lời “VẬY HẢ” rồi ẳm đứa bé về nuôi. Đám đông “cụt hứng” bỏ ra về.
Đến khoảng 3 năm sau, cô gái hối hận đã vu oan cho bậc tu hành như vậy.Nhất là, nghe bá tánh đi viếng chùa, kể lại rằng đứa bé bây giờ đã 3 tuổi, rất dễ thương. Cô gái liền thú nhận sự thật với người cha. Thế là, lại một lần nữa cả làng kéo lên ngôi chùa trên núi. Lần này, họ lạy nhà sư như “tế sao”, xin tha tội đã vu oan và xúc phạm. Họ tự cảm thấy mình quá tội lổi!!!
Cô gái liền ôm chặt đứa bé vào lòng, như sợ nhà sư đổi ý, và nói “Xin cho con được đem con của mình về nuôi, mẹ con đoàn tụ !!!”
Nhà sư cao đạo, dĩ nhiên hiểu rằng “mẫu tử trùng phùng” là điều tốt đẹp, ông chỉ đơn giản trả lời “VẬY À”.
Một câu chuyện kết thúc có hậu như vậy, sau 3 năm. Vậy mà nhà sư chỉ mở miệng “tham gia” vào “thế sự” chỉ có 4 chữ VẬY HẢ và VẬY À.
Vài bâng khuâng của cuộc đời
Trần công Thành
Thưa các bạn, rồi thì Xuân lại đến và chúng ta lại có dịp trao đổi với nhau vài lời trên mạng. Thành nghĩ đến với cái cơ hội ngàn vàng để nói lên vài tiếng nói của mình gọi là góp ý với đời vậy. Rồi lại nghĩ tới mình muốn góp ý về vấn đề gì, cái đề tài nào thích hợp với mình nhất, chẳng lẽ đến tuổi này mà còn trốn tránh trách nhiệm của mình hoài sao. Nếu mình tránh thì ai sẽ làm cho mình khi mà những đàn cha, đàn anh cũng dần khuất bóng và tàn lụi theo thời gian. Từ nhỏ đến giờ, việc đời thì để cho người khác lo, cái tư cách này có phải đúng hay sao. Không biết làm sao nhưng mà thấy không ổn khi tính cờ đọc lại những bài thơ của Nguyễn công Trứ :
“Có trung hiếu nên đứng trong thời đất.
Không công danh thà nát với cỏ cây”
Hoặc :
“Làm trai cho đáng nên trai.
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan”
Tại sao có bao nhiêu bài đó mà ta cũng không thuộc và không áp dụng được gì. Những chuyện học ngày xưa là chuyện ảo hay chuyện thật, tại sao không chỉ mình ta mà cả một thế hệ đi xuống như thế này. Những chuyện ngày xưa mình học là căn bản của con người mà tại sao mình không thực hiện được, còn những bạn bè khác ra sao. Ôi thật nhiều bâng khuâng đến với con người của tôi, gần 60 tuổi đầu rồi mà mình vẫn còn chưa có cái định hướng rỏ rệt thì làm sao chỉ dẫn lại con cháu đây. Có biết bao nhiêu chuyện mà cái chấm hỏi nó vẫn còn nằm tổ bố trong đầu thì làm sao mà thông suốt để góp lời với đời được. Thôi thì cũng ráng lựa chọn vài vấn đề chính và vài lời đến với các bạn vậy. Hy vọng mọi người sẽ chỉ dạy cho.
Để có một khuôn khổ và trong bối cảnh giao lưu với các bạn P. Ký, Thành suy nghĩ đến mấy câu ở cổng trường:
“Khổng mạnh cương thường tu khắc cốt.
Tây Âu khoa học yếu mình tâm”
Chắc Thành không có hy vọng được học tường tận những nguyên tắc của đạo Khổng Mạnh về cương thường, những căn bản của đời sống. Mình thử một vòng coi mình có hiểu gì không. Nếu trật lất hết thì xin các bạn thứ lỗi cho và xin được bàn luận thêm. Đây là cơ hội để các bạn giúp cho một bạn xóm nhà lá đương bí vậy, già rồi mà vẫn chưa thuộc bài, tội nghiệp thay. Không biết các bạn có may mắn được học kỹ thêm về cái đạo làm người hay không, riêng Thành thì thấy mình cũng chẳng hiểu gì hết và hơi thất vọng một tí. Người ta lập ra sách giáo khoa để dạy chuyện nầy chuyện nọ, lập ca dao, bản kịch, ca nhạc để răn dạy cuộc đời mà tại sao coi bộ chẳng thấy hiệu quả gì mấy. Xã hội nó tùm lum, chẳng gì ra gì, không lẽ mình không học được, những người khác ra sao nhỉ ! Tại sao những kinh nghiệm của tiền nhân không giúp ít gì được cho thế hệ sau và Thành cảm thấy cuộc sống bây giờ, thế hệ trẻ lại càng khổ sở hơn mình ngày xưa nữa vì chẳng biết đi về đâu, cái nào là giá trị đúng, cái nào là ảo.
Thường thì những cái gì mới lạ thì khó khăn vì con người chưa biết cách đối phó, còn những chuyện đời thì biết bao nhiêu người đã đi qua để tích lũy kinh nghiệm và truyền thụ lại cho người sau nhưng Thành cảm thấy nó không có gì thành công lắm, tại sao???. Nhiều câu hỏi lại hiện ra trong đầu Thành.
Nói về tam cương, Thành có vài lời về:
Quân thần cương: Ngày nay không còn vua chúa nhưng áp dụng với thời nầy thì Thành nghĩ đó là cái cách đối xử giữa mình và xã hội.
Nhưng xã hội cũng bao la, cộng đồng thế giới, cộng đồng người Việt, những người cùng quê, những bạn cùng trường, cùng lớp, những người cùng ý kiến với mình, những người khác ý kiến mình, những người chống đối mình. Không biết các bạn ra sao nhưng Thành thì suốt một đời này ráng đi tìm theo một chữ: đó là chữ Đúng, ráng làm Đúng trong cái hoàn cảnh đó, không gian đó và cuộc đời đó, nhưng mà tìm hoài cũng vẫn thấy hoài nghi, không biết mình đúng không, có một chữ mà tìm hoài cũng không xong, Đúng là dở thật !
Khi mình đã sống 17 năm ở Việt nam và gần 40 năm ở trời Tây, làm thế nào để được gọi là đúng với tổ tiên mình, với xã hội, gia đình đã cho mình từng chén nước mắm, từng miếng cơm mảnh áo để mình được sinh ra, sống và có được một thời niên thiếu với bao nhiêu tình người ấy. Lớn lên ở trời Tây, đi làm việc, lập gia đình, trời Tây đã cưu mang mình mấy mươi năm nay, sẽ là nơi trú ngụ của những thế hệ con cháu của mình, những thăng trầm của xã hội này mình cũng phải chia sẻ, làm sao để là người Đúng bây giờ.
Làm sao vô cảm được khi đọc báo thấy đầy những sự đau thương của những người dân Việt, Pháp vì miếng cơm mảnh áo, bệnh tật mà không có phương tiện chạy chữa. Làm sao vui được khi thấy thế hệ trẻ Việt nam bây giờ sống một cách hời hợt, sẵn sàng tất cả vì đồng tiền. Tất cả những giá trị của con người mà mình tin tưởng, học hỏi từ thuở nhỏ đã trở lạnh cát bụi. Làm sao an tâm được khi nhìn thấy có những trường hợp người quyền chức trong xã hội, lẽ ra là những tấm gương soi cho mọi người, lại có những hành động phá nát tất cả những niềm tin của một thế hệ. Làm sao yên giấc khi con người không là chủ nữa mà đồng tiền đã làm chủ con người, mọi người quay cuồng theo tiếng gọi của đồng tiền và quyền lợi của chính mình mà không chút thương tâm cho đồng loại của mình. Giá trị của một con người trong xã hội là gì? Có phải chăng là người có tiền nhiều nhất và địa vị cao nhất? Hay là hữu dụng nhất cho người khác? Hay là người làm trọn vẹn tam cương, ngũ thường nhất? Và ta, bản thân ta, một con người đang sống, đang thở và ta tự hỏi phải làm gì trong cuộc sống một cách thực tế?
Từ nhỏ đến giờ mình cũng ráng với người ta, cũng ráng làm bổn phận làm con, làm chồng rồi làm cha mẹ. Đối với xã hội luôn tìm cách thân thiện và luôn hướng đến điều tốt cho xã hội, nhưng rồi gần cuối đời, tổng kết lại cũng chẳng thấy mình làm được gì. Khỏi cần nhắc đến những gì ông Nguyễn công Trứ nói, thật là xa vời, một đời làm lương cũng không đủ mua nổi vài chục mét vuông bằng đất đá để có được một chỗ ở thì đừng nói đến chuyện “Xuống đông đông tỉnh, lên đoài đoài tan”. Mình đã làm gì sai chăng, các bạn đã làm gì sai chăng khi chỉ vì có cái giấy khai sinh ghi năm 54 để rồi tự đó bỏ lỡ tất cả những cơ hội để tiến thân và rồi những khó khăn triền miên từ đó.
Cái nào là những mức thang thật về giá trị của một con người? Ai giá trị hơn ai? Và những giá trị đó được ai phê chuẩn?
Thôi nhiều câu hỏi quá mà Thành chẳng tìm được câu trả lời nào, chỉ chia sẻ đôi lời với các bạn chút thôi. Ai có thể cho tôi một lời khuyên hửu dụng và đừng lý thuyết lắm thì tôi rất mừng.
Phụ tử cương: Cách cư xử với cha con, người trên, kẻ dưới hay cụ thể hơn hết là với những thành phần trong gia đình
Nói về chử hiểu đối với cha mẹ thì cũng thấy rắc rối rồi. Lúc nhỏ, con người chúng ta cũng chưa học hỏi gì nhiều, mọi nỗ lực lúc còn bé thường dựa trên chử Hiếu, làm sao cho cha mẹ vui lòng. Tuy nhỏ nhoi như vậy nhưng nó là một nền tảng rất lớn cho những giá trị sau này, nếu như mỗi con người chúng ta chỉ làm được có một việc là làm sao cho cha mẹ vui lòng thì xã hội tiến triển biết là bao. Cha mẹ vui khi thấy con siêng năng, tích cực, ngoan ngoãn, hiếu thảo và yêu đời. Chỉ cần bao nhiêu đó thôi đã tạo cho những con người biết bao nhiêu động lực để mà tiến tới trong xã hội. Con siêng năng sẽ thành người giỏi và hữu dụng. Con ngoan ngoãn, hiếu thảo sẽ tạo ra một xã hội có trật tự và đầy tình thương, người biết thương người, một sự tương trợ mãnh liệt giữa những thế hệ, không ai sẽ còn cảm thấy cô đơn. Con yêu đời sẽ tạo niềm vui, sự phấn khởi cho mọi người xung quanh và xã hội.
Tuy nhiên chử Hiếu nó cũng có nhiều hoàn cảnh rắc rối của nó. Tôi thí vụ như 4 người bạn phi công, có cùng hoàn cảnh gia đình tương tự như nhau là có cha mẹ già và mình là điểm tựa chính của gia đình. Đến lúc 30/04 thì có hai bạn chọn ở lại và hai bạn chọn ra đi. Người thứ nhất ở lại chăm sóc mẹ già, dù thời cuộc ra sao cũng chấp nhận, vất vả lúc đầu nhưng nhờ nghị lực cũng vượt lên được sau những năm tháng cực khổ và luôn giữ được tài sản, sau này trở thành có giá trị và cuối đời anh ta cũng có vài triệu dollars trong tay và sống đời nhàn nhã. Người thứ nhì ở lại cũng sẵn sàng chịu đựng tất cả để chăm sóc cha mẹ nhưng không may là anh ta đã không chịu nổi những giai đọan khó khăn và qua đời, sau đó song thân anh cũng cực khổ và qua đời luôn. Người thứ bà ra đi sang Mỹ làm việc khá giả, không ít lâu anh gởi tiền về nuôi nấng cha mẹ và sau đó rước cha mẹ sang Mỹ sống thoải mái. Người thư tư cũng ra đi nhưng đến lúc làm được ra tiền gởi về thì cha mẹ cha đã mất hết vì không ai chăm sóc và buồn bã.
Trong giờ phút chót quyết định ra đi hay ở lại, làm sao mình có thể biết được mình làm đúng hay không các bạn à. Làm sao mình có thể bước lên máy bay ra đi khi biết rằng chiều nay cha mẹ vẫn còn chờ mình về ăn cơm và không biết họ sẽ sống ra sao khi vắng mình và có lẽ là sẽ không bao giờ gặp lại. Còn ở lại ta sẽ được những gì, ngoài những đau thương do cuộc đời đem đến, cái mạng mình cũng không lo xong thì làm sao lo cho cha mẹ được đây? Ở lại để làm gì và ích lợi gì? Đã sai lầm ư, nhất định không, nhất lớp Việt văn, thuộc làu thơ Nguyễn công Trứ “Trai thời trung hiểu làm đầu” để làm gì khi mà mình bỏ rời cha mẹ như vậy. Có lẽ cuộc đời có nhiều cái chấm hỏi mà phần trả lời không thuộc về mình, thôi đành xử sự theo lời khuyên của Trịnh công Sơn vậy.
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi, gió cuốn đi… “.
Bàn về tình cha con, cách đối xử với người trên kẻ dưới thời này thì Thành cũng thấy những điểm đáng mừng và những điểm buồn hơn.
Đáng mừng vì không còn những cảnh Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu, cha mẹ nói A phải nghe A mặc dầu là sai, với tầm hiểu biết được rộng mở hơn, con người thoáng hơn, có nhiều tự tin hơn trong đời sống nên điểm dựa vào cha mẹ cũng ít quan trọng đi. Có những sự chọn lựa mà mình phải tự chọn cho chính mình, những người cha mẹ tốt cũng nên dắt dìu con em mình theo chiều hướng đó. Ba chữ “Liberté, égalité, fraternité” (Tự do, bình đẳng, bác ái) đại diện cho cách sống của người Pháp và họ đã đặt chữ Tự do là chữ đầu tiên. Nó là niềm hy vọng của nhân loại, một xã hội không thể nào phát triển được khi không có Tự do nhưng nó cũng kèm theo cái sự công bằng và lòng bác ái, tính tương trợ của con người, của những thế hệ.
Còn buồn hơn về chuyện gì? Chắc là các bạn cũng cảm thấy với đời sống hiện đại, cá nhân đã vững mạnh hơn và ảnh hưởng gia đình đã yếu xuống nên sự tương trợ chặt chẽ giữa những thế hệ cũng lơi là đi và nhiều khi làm buồn lòng những thế hệ trước. Giấc mơ xum họp, chung một nhà ba thế hệ, rất khó thực hiện và nhiều khi chỉ còn là một giấc mơ. Về lại nhà xưa, chỉ còn thấy mẹ tôi sống một mình với em gái tôi cũng thấy nhói trong lòng, “lòng buồn như chó cắn” nhưng cũng gạt nước mắt ra đi. Tôi chắc rằng mẹ tôi cũng hiểu, chúng con không còn được ở “làng tôi với lũy tre già vây quanh” nơi mọi người xúm xít đoàn tụ. Chắc cuộc đời đẩy nhiều người ra đi mà mình không cầm lại được nữa rồi.
Con đã làm đúng hay đã sai rồi? Có ai biện hộ được cho những người phi công kia, ai đã làm đúng, ai đã làm sai? Có ai trả lời giùm tôi?
Phu phụ cương: Cách xử sự trong tình nghĩa vợ chồng.
Trong tam cương thì có lẽ cái phần này là khó xử lý nhất vì nó không tuân theo một lý lẽ gì cả. Quân Thần cương, cách đối xử trong xã hội thì mình cũng dựa theo một phần nào xã hội đối với mình và mình phản hồi nó. Phụ tử cương thì nó cũng theo một quy luật, mình do cha mẹ sinh ra, cha mẹ có bổn phân đối với mình thì phần phản hồi tự nhiên cũng tương đối dễ tính còn phu phụ cương theo Thành là khó nhất. Chẳng là bà con họ hàng gì, gặp nhau, yêu nhau rồi tự ràng buột với nhau để trở thành một gia đình, cùng nhau lập những ước mơ, chia xẻ vui buồn, rồi đến lúc giận nhau, ước mơ tan rã, hoàn cảnh đổi thay. Có cái gì ràng buộc đâu? Những giây ràng buộc cũng rả dần theo năm tháng.
Ôi cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, làm sao giữ được nó lâu dài, và khi không còn gì lưu luyến nữa thì giữ lại để làm gì? Hãy đổi bài hát “Đừng xa em đêm nay” qua bài “Mình chia tay đi anh”.
Làm thế nào mới Đúng trong tình nghĩa vợ chồng? Thời buổi này với Internet mình nhận cũng khá nhiều chuyện tếu về cái phần này.
Thời nầy so với thời trước, theo Thành, cách đối xử với xã hội là xuống dốc nhất, phần đối xử với gia đình có nhiều điểm tốt và những điểm hơi buồn, riêng cái phần Phu Phụ cương xã hội có vẻ tiến triển hơn. Không phải là để nịnh mấy bà đâu nhá nhưng mà chắc nhiều người cùng cảm thấy thoải mái và công bằng hơn đối với mấy bà. Không còn cái cảnh chồng chúa vợ tôi hoặc đã đi vào chuyện cổ tích, vai trò của người vợ và người chồng được chia sẻ một cách hợp lý và công bằng hơn.
Cái sự ép buộc của xã hội cũng nới dần và những điều thật nối quan hệ giữa hai người về lại đúng với cái giá trị của nó, cái Tình và cái Nghĩa. nếu không còn Tinh cũng như không còn Nghĩa thì nên sống một cuộc đời khác.
Trương Vô Kỵ có xử sự đúng hay không khi hủy đám cưới với Chu Chỉ Nhược chỉ vì một lời hứa với Triệu Minh? Cũng may là nhà kịch bản cũng cho là có lý vì Chu Chỉ Nhược đã trộm lấy Đồ long Đao. Nếu ngược lại chắc là Vô Kỵ nhà ta phải ân hận suốt đời rồi các bạn nhỉ. Vô Kỵ đã xử sự Đúng hay không khi bỏ cả sự nghiệp giang san để mỗi ngày được thảnh thơi “trang điểm cho Triệu Minh”? Có ai có ý kiến gì không?
Thôi bài cũng dài rồi, góp vui với các bạn vài lời, với mấy cái đề tài này thì biết bao giờ mới xong . Cũng tại hồi xưa không thuộc bài để đến bây giờ cũng còn bâng khuâng. Phải chi ngày xưa được chỉ dẫn đàng hoàng về đạo nghĩa chắc it mất thời giờ và Thành đã làm được nhiều cái Đúng hơn. Thôi thì lỗi của xã hội, “Quân Thần Cương” cần được cải tiến vậy.
Một mùa Xuân vui.
Tạp bút
Lê Văn Truyển
Trái sầu riêng
Ở Á châu không ai không biết sầu riêng. Không những người Á mà ngay cả người Âu ở Á châu cũng biết đến sầu riêng, phần lớn đều đã nếm qua, có lắm người nghiện và rất hãnh diện vì sự sành điệu của mình.
Theo tôi biết thì nguồn gốc nó từ Mã Lai hay Indonesia. Trước đây sầu riêng còn có mùa, bây giờ ghép bón như thế nào mà có quanh năm. Tưởng vậy sầu riêng vẫn đắt. Không chỉ người miền Nam mà ngay cả người miền Bắc mới vào năm năm tư cũng thèm. Thuở nhỏ tôi đã biết có một người bà con đến mùa cầm cố vòng vàng nhẫn cưới để ăn cho bằng được đã thèm mới thôi. Gần nhà tôi ở có quán bán sầu riêng, đến mùa trong ngõ sực nức mùi , thơm hay … không thơm tùy người biết ăn hay không.
Người châu Á tuy thèm thế nhưng những luật lệ về sầu riêng vẫn khắt khe. Cấm đem lên máy bay, hotel, thậm chí trong xe điện ngầm ở Singapore hay Thái đều không được mang vào. Nhưng ở Sing thì mập mờ. Nếu ăn uống bất cứ thứ gì trong xe điện sẽ bị phạt 100 đô Sing thì sầu riêng chỉ bị cấm đem vào (dĩ nhiên là không được ăn trong xe điện) nhưng không thấy nói đến phạt. Ở Sing, tòa nhà hát thành phố làm theo kiến trúc trái sầu riêng, rõ ràng cấm sầu riêng nhưng không phải là ghét sầu riêng. Cấm có lẽ vì du khách phàn nàn không chịu đựng được mùi. Có một lần một người bạn tây nói với tôi là mùi nó nặng, không phải thối mà giống như mùi ga xì, hơi thum thủm. Tôi nói với anh ta đây là trái cây do thiên nhiên tạo ra, hoàn toàn « green ». Còn mùi phó mát là do con người tạo ra, chất sữa lên men mạnh mùi gấp mấy lần. Cứ thử nếm chút roquefort (là phó mát trộn chung với tỏi) hay ngửi vào buổi sáng thì mới ăn gì vào cũng trả lại thôi. Anh ta cười bảo tôi có lý. Mỗi dân tộc đều có những món ăn riêng và độc đáo của mình. Một lần tôi thử để cho một người Phi Châu để nhờ món manioc (giống như củ mì trộn chung với sữa lên men) trong xe, bọc bằng lá chuối ba bốn lớp. Chỉ đi một quãng đường khoảng ba giờ dưới cái nắng của Phi Châu, cái mùi manioc bám trong xe đeo đuổi tôi cả tháng trời.
Khoảng năm 1980 tôi mới bắt đầu đi làm, nhà tôi còn đang đi học. Hai vợ chồng nghèo sống ở ngoại ô Nam Paris. Thường thứ bảy buổi trưa tôi đón Thùy ở trường rồi hai vợ chồng đi ăn cơm ở Phố Tàu trong Paris rồi đón xe buýt về nhà. Thời ấy bắt đầu đông Á châu, thị trường đủ mở rộng để nhập cảng sầu riêng về nhưng vẫn còn đắt lắm, vì sầu riêng chỉ đi bằng máy bay. Hôm ấy hứng chí hai vợ chồng mua một quả rồi đem về mở ra cho cả nhà ăn. Cầm trái sầu riêng tôi đã cẩn thận nhờ người bán hàng bọc chặt bằng hai ba lớp giấy lại thêm hai lớp bao ni lông, lên xe buýt vẫn cứ thấy mùi. Nhưng mọi người không ai nói gì, chỉ đưa mắt nhìn nhau. Tôi cũng phớt lờ đi lại còn giả bộ dở chân lên xem có đạp phải cái gì chăng. Như một phản ứng giây chuyền, mọi người đếu dở giầy lên xem. Dĩ nhiên là chẳng ai thấy gì cả, những đôi mắt xào xạc nhưng im lặng, ngầm ngầm nhìn nhau.
Thấy cũng đã hơi lâu, nhân đi ngang qua một siêu thị nhỏ cũng khá gần nhà, hai vợ chồng tôi xuống xe. Chắc sau đó không khí trên xe buýt dễ thở hơn.
Chúng tôi vào siêu thị, sắc sầu riêng trên tay không được mang vào. Tôi gửi ở quầy tiếp tân rồi chạy vào mua vài món cần dùng. Ra đến quầy, hai cô tiếp tân, một trắng một đen chặn chúng tôi xuýt xoa xin lỗi. Cái mùi gì khủng khiếp quá làm chúng tôi bắt buộc phải vượt qua mọi tế nhị cần thiết để mở cái sắc của hai ông bà ra, không biết là cái gì mà tỏa ra một mùi làm nhộn nhạo cả người ra. Hai bà chỉ cho chúng tôi cái sắc giấy đã bị xé và chỉ sợ chúng tôi lên kiện trên phòng giám đốc. Tôi chỉ cười và nói với bà đầm trắng rằng đây là trái roquefort của Việt Nam và với bà đầm kia, đây là trái manioc của xứ tôi. Hai bên lăn ra mà cười.
Già chơi trống bỏi
Các ông già về Việt Nam lấy các cô em trẻ đã thành đầu đề thời thuợng trong các buổi tán dóc lúc trà dư tửu hậu. Chuyện ông X mới về hưu, bỏ gia đình và bà vợ bao nhiêu năm đầu ấp tay gối để đem về một em trẻ đẹp gây xì-căng-đan cho cả họ. Chuyện một ông Y vợ vừa mới mất được họ hàng giới thiệu một cô gái góa … hai mươi tuổi đã trở thành chuyện vui cho các buổi họp cộng đồng. Nhìn kìa, cái ông ấy mới đem vợ mới ở Việt Nam qua kìa. Ông nào nhỉ. Ừ, thì cái ông đang nhẩy lắc lư đấy. Nhẩy gì, ông đứng lắc trông hết xíu quách đấy hả ? Ừ thì đích thị. Còn bà vợ đâu ? Cái cô trẻ mặc váy ngắn đang đứng nhẩy với các anh thanh niên kia hả ? Chính thế. Và chỉ ít lâu sau chuyện vợ chồng của họ thành đề tài cho các người lùng chuyện. Không chỉ các ông, các bà đại gia ở xứ Việt bây giờ cũng thành đề tài mới, các bà đi tìm các chàng trai trẻ pilot ở quê nhà.
Nhưng chuyện ấy không chỉ xảy ra ở Việt Nam không.
Hoàn cảnh kinh tế khủng hoảng và sự thọ dai dẳng của loài người chính là những nguyên nhân đưa ra các trớ trêu trên. Kinh tế làm các cô (hay các chàng) phải di động tìm kế sinh nhai. Cách sinh nhai dễ nhất là đem cái vốn trời cho mà sống, cũng dễ hiểu thôi. Trong lịch sử loài người, những chuyện như thế không lấy gì làm lạ. chính sự thọ của đàn ông hay đàn bà bây giờ mới là nguyên tố mới của vấn đề. Cách đây hơn năm mươi năm, gia phả nhà tôi cho thấy các cụ chỉ sống đến năm mươi hay quá lắm là sáu mươi tuổi thì cũng rửa chân lên bàn thờ cho con cháu cúng. Giàu hay nghèo đều thế cả. Hiếm mà chúng ta thấy một ông vua thọ. Tương truyền rằng một trong những ông vua thọ của Việt Nam là ông lê Thánh Tôn, một ông vua giỏi nhất của lịch sử xứ mình,có tên đường đàng hoàng trong trung tâm thành phố, ông chết vì bệnh … hoa liễu, nghĩa là cũng vì gái.
Sau năm tám chín thế kỷ trước, các xứ Đông Âu mở cửa với thế giới, từng đoàn nữ thập binh sang Tây Âu kiếm sống. Những người đẹp tóc vàng xinh xắn, may thì làm người mẫu, sau đó là làm đào trẻ cho các đại gia hay ông lớn, kém may hơn thì làm gái gọi hay đứng đường. Hiện tượng già chơi trống bỏi đầy rẫy. Những cụ già thất thập cổ lai hy ra đường với các cô sexy là chuyện thường, nhưng chỉ thấy ở các hotel hạng sang nên ít người để ý. Còn chuyện một bà đại gia, gàiu nhất nhì nước Pháp, có tên trong danh sách Fortune 500 người giàu nhất thế giới, chủ hãng một thuơng hiệu mỹ phẩm mà không phụ nữ nào không biết, đem tiền cho bạn giai. Không phải cho ít, người ta thẩm định đến hơn một tỷ euro, nhiều đến nỗi cô con gái bà ta phải kiện anh trai nọ ra tòa về tội dụ dỗ gái ..già quá mất khôn (tiếng pháp gọi là sénile). Luật pháp cũng phải sửa đổi lại hết, nhất là vần đề thừa tự để bảo đảm quyền lợi các con, không cho các bà hay các ông đem tiền dấm dúi hoặc tước đoạt tài sản của các con cho … trai hay gái. Ít nhất là luật xứ tây đã đổi hai lần trong ba năm vừa qua để phù hợp với hoàn cảnh mới.
Người ta nói người già hóa … trẻ. Đến một tuổi sẽ không còn sáng suốt, tự dưng… yêu đời và yêu người, tự dưng thành già gân, ông già ba tri mới của thời đại.
Bởi vậy phải cẩn thận, chê trách ai thì giữ mồm giữ miệng, không thôi nó lậm vào mình.
Sống lâu quá không phải là một điều tốt. Ngày xưa Tần Thủy Hoàng vì bị ám ảnh bởi cái chết nên bắt người đi tìm thuốc trường sinh. Vị hoàng đế này sống sáu mươi tuổi. Ngày hôm nay tuổi thọ trung bình đã lên đến tám mươi. Tôi đã trông thấy hoàn cảnh hai mẹ con, mẹ chín mươi, con bẩy mươi, thui thủi sống với nhau. Còn nhiều trường hợp buồn hơn thế nữa, nhưng ngày tết ngày nhất ai lại đi nói chuyện buồn bao giờ.
Lịch sử Việt Nam hình như cũng có một vụ án quan trọng xảy ra với ông Nguyễn Trãi. Thị Lộ chưa tới mười tám tuổi còn ngài đã ngoài sáu mươi. Chuyện cô thị Lộ mắt lúng lính với người khác không phải là không chính xác, tôi để quyền phán xét này cho bạn LHL Vân và DH Minh, hai tay rành về lịch sử Việt Nam phán xét.
Chết cha, tôi đang kiếm cách biện minh cho mấy ông bà “ăn chơi” này hả ? Tôi không muốn thế, tôi không muốn thế. Chúa ơi, xin cất con về với Chúa chứ đừng bắt con phải như thế, hic hic !!! Em gì ơi, Em tên gì nhỉ ?
Gia đình thời @
Hồi đi học lớp năm trường tiểu học cộng đồng Phan Đình Phùng, có bài thơ sau đây tôi nhớ mãi đến bây giờ:
Tối ở nhà,
cha đọc báo,
Mẹ vá may,
hai con chăm chỉ mê say học hành,
quay quần bên ngọn đèn khuya.
Một nhà đầm ấm muôn đời ngợi khen.
Bài thơ có thể nói là tầm thường, giống như một loại vè binh dân nhưng không hiểu sao cứ ám ảnh tôi mãi. Hình như hình ảnh một gia đình như thế diễn tả hạnh phúc ấm no, ai trông thấy cũng phải thèm. Sau bữa cơm tối, Cha đọc báo có nghĩa là ông cũng là một công hay tư chức nhàn nhã chứ không phải dân lao động hay thất nghiệp. Mẹ vá may bên ngọn đèn đêm trông cũng nhẹ nhàng chứ không phải đang càu nhàu bủn nhủn chồng không mang đủ tiền về nhà trả nợ cho thằng út đi bác sĩ hay thiếu tiền đi chợ phải cắt cái này bỏ cái kia. Hai đứa nhỏ học hành chăm chỉ. Tóm lại một cặp vợ chồng trẻ tương đối phong lưu kiểu gia đình Tự Lực văn đoàn chứ không phải kiểu Con Trâu của Trần Tiêu. Đó là khoảng đầu thập niên sáu mươi thế kỷ trước. (Tôi có trở lại mái trường dấu yêu này ba mươi sáu năm sau để tìm lại chút kỷ niệm và chụp vài tấm ảnh. Anh hiệu trưởng còn trẻ bảo tôi rằng cái thời tôi học ở đây, từ 60 đến 65 anh chưa sinh ra, và anh không cho tôi chụp hình mặc dù có kèo nài vài phút. Thế là không có hình để chia với Nguyễn văn Hùng, bạn cùng trường với tôi suốt năm năm tiểu học. Buồn năm phút).
Mấy chục năm qua cái gia đình đó bây giờ thay đổi từ đầu đến chân. Cũng một cảnh như thế, gia đình thời nay là ;
Tối ở nhà,
Cha tập “chát “ (chat),
Mẹ chếch mêu (check email),
Hai con chăm chỉ chơi ghêm miệt mài (games),
Quây quần bên ngọn đèn xanh,
Một nhà đời mới, Google ngợi khen.
Đó chắc là một đêm mưa không ai đi đâu được, và chắc là các phòng có chị sen đang làm giường nên mọi người đổ xô ra phòng khách, chứ thường thì mạnh ai chơi phòng đó. Thời mới, mỗi người một computer hay smartphone, không ai chia với ai. Cái viễn tượng đó đang dần dần trở thành thực tế. Vào trong xe điện ngầm, một băng choai choai ngồi bên nhau, chúi đầu vào iphone, hai tay ngoáy lia lịa vào phím, nhưng chẳng ai nói với ai câu nào. Vào tiệm ăn, ông ipad bà notebook đang xem phim. Ông cung tay theo phim chưởng, bà nhếch mép cười theo tình tay ba Cao Ly. Một hoạt cảnh bi hài.
Nặng hơn thế, có nhiều ông đêm đêm chát với người đẹp phương xa (đẹp hay không còn chờ đối diện vì hình trên web nắn nót photoshop nhiều quá, mặt không nếp nhăn không mụn cóc nhưng đôi khi thiếu cái tai hay một lỗ mũi), rồi một ngày ông tuyên bố ra đi tìm tình yêu ảo. Đi như Cao Tiệm Ly, một đi không trở về, có về cũng thân bại dương liệt (dương hay danh gì cũng thế thôi). Thế mới biết “a còng“ tai hại thật ! Tai hại mà không ai cưỡng được, chưa kể bao nhiêu tài phiệt bỏ tiền khuyến mại.
Nói người mà không thấy mình, hình như mình cũng đang từ từ đi vào con đường đó.
Mùa hè năm Petrus
Quyển sách của Lê Văn Nghĩa rơi đúng vào lúc các bạn tìm lại với nhau, một thời điểm thuận lợi cho bè bạn tìm đến gần nhau hơn nữa. Chỉ riêng về phần đó cũng đáng hoan nghênh tác giả. Khung cảnh câu chuyện là năm đệ tứ Petrus. Tác giả học trước mình một lớp, có nghĩa là năm đó mình học đệ ngũ, tức là năm Mậu Thân 1968. Tác giả nhắc về chuyện đi cứu trợ đồng bào bão lụt miền Trung. Theo tôi nhớ thì đó là năm tôi học đệ tứ. Năm 1968 Mậu Thân còn đang ồn ào, tôi không nghĩ là có phong trào cứu trợ, lúc đó tôi là trưởng ban học tập và xã hội (liên tiếp từ lớp đệ ngũ lên đến 12B2). Tác giả gom nhiều chuyện lại dựng cốt truyện, tôi nghĩ vậy, chứ một năm học không có đủ chuyện để kể. Một chuyện nữa làm tôi nhớ là sau hôm đi cứu trợ, nghĩa là ngày thứ hai tuần sau đó, các trưưởng ban xã hội được triệu tập gấp vì có vấn đế tham nhũng. Anh Hy Trưởng ban học tập và xã hội lớp 12C tố cáo anh Trường lớp 11B lầy tiền cứu trợ đi sửa xe riêng của mình. Anh Trường biện hộ vì lấy xe đi làm công quả bị hư xe nên anh có bàn với các bạn trong đoàn cho anh thọc tay vào két. Nhưng anh Hy không đồng ý và tố anh Trường trước ban giám học, với sự chứng kiến của các trưởng ban xã hội các lớp. Anh Hy làm đúng và anh được sự ủng hộ của mọi người. Tôi nhớ anh Hy mãi vì anh được phần thuởng toàn trường năm đó, sau đó anh đi du học bên Mỹ. Đó làm năm 1969. Giá ai cũng như anh Hy thì nước này trong sạch đến bực nào. Chúng ta có thể tự hào về trường học khác trường đời chỗ ấy.
Quyển sách có bàn về tất niên. Các bạn có qua lớp đệ tứ đều nhớ lớp chúng ta cũng có tổ chức văn nghệ tất niên và làm bích báo năm đệ tứ. Đình lúc đó là tay trống của lớp tứ hai (chưa gọi lớp chín năm đó), các tay đàn thì tôi không nhớ lắm, hình như có Huy thì phải. Nhưng các bạn không tập dượt với nhau đủ, thành ra trống ra trống và đàn ra đàn, nhưng cũng là một kỷ niệm vui. Quyển sách viết rất dễ thuơng, có một chút tình yêu, tình thầy trò. Có văn nghệ, có đánh nhau. Tôi có nhớ có đoàn hát Đại Hàn đến trường biểu diễn văn hóa, nhưng trò đi xem các cô Đại Hàn thay áo thì thật là lạ, các cha này « dữ» hơn mình nhiều. Chuyện sang trường Gia Long thì tôi chưa được piston để đi, nhưng tôi có đi xem các cô Gia Long hát ở rạp Dạ Lý Hương ở đường Hồng Thập Tự cũ nơi có đoàn Bạch Tuyết – Hùng Cường đóng đô. Năm đó là năm 10B2, nhờ một người bạn có chị trong ban văn nghệ, tôi được vé vào xem. Hóa ra chỉ có hai đứa chúng tôi là … con trai. Đúng là lạc giữa rừng gươm. Trùng trùng điệp điệp quanh tôi là nữ sinh Gia Long, riêng hai chàng khép nép lỏ mắt ra nhìn, nhưng thực ra cũng không dám nhìn. Tôi chỉ biết là trong Tam Quốc, Triệu Tử Vân bị quân Tào vây khốn năm vòng bẩy lượt, nhưng cũng như tôi hôm đó là cùng. Sau lần đó xin chừa, có ai rủ đi cũng không dám nữa.
Quyển sách nhắc lại các cô Gia Long sang trường bán báo. Chuyện này vẫn còn nhớ. Nhưng tôi chỉ ấn tượng lần có một cô Trưng Vương đơn thân độc mã vác báo vào từng lớp bán. Đó là năm 10B2 giờ thầy Thành Lý Hóa. Nét đẹp kiêu kỳ của cô gái Bắc làm cả lớp khép nép. Con gái Trưng Vương có khác. Giai nhân nan tái đắc, sau lần đó không bao giờ tôi gặp lại cô.
Nghĩa không nhắc những chuyện « mất lòng», đó là chuyện biểu tình bãi khóa, ném truyền đơn và treo cờ Giải Phóng. Những chuyện ly kỳ ấy cũng ăn mãi trong hồn các cậu học sinh còn thơ chưa biết mùi đời.
Nói chung quyển truyện viết rất khéo, học trò giàu nghèo bình đẳng với nhau trong khuôn khổ nhà trường. Giàu không phải là cái tội, nghèo cũng không phải gánh chịu mọi bất công, riêng chỉ lòng trong sáng là đáng nêu cao. Học giỏi không phải là sẽ thành công trên mọi chuyện, phải biết học, biết chơi, biết đi cua gái, biết văn nghệ và thể thao. Đó là tuổi Petrus Ký.
Đón Xuân
Thanh Nàng Dâu P Ký Bữu Ngọc
|
Thế gian háo hức vì Xuân
Tiết Xuân ấm áp, tình Xuân mặn nồng Hương Xuân nở rộ muôn phương Hoa khoe sắc thắm, bướm ong dập dìu Én, Oanh cũng tập báo tin Rằng Xuân đã tới hãy cùng hân hoan Khí Xuân tràn khắp mọi nhà Tục Xuân lưu mãi ngàn đời không phai Tới giờ giao điểm thiêng liêng Chuông Chùa vọng tiếng, Giáo Đường ngân vang Trao lời chúc tụng cùng nhau An Khang, Thịnh Vượng, thuận hòa thế gian Ngày đầu năm mới chúc nhau Ông Bà, Cha Mẹ được thêm tuổi đời Gia đình hạnh phúc an vui Trẻ thơ nô nức được manh áo đẹp Gái Xuân đỏng đảnh chuốt chao Gặp may năm mới tình quân đón chào Trai thanh lưỡng lự câu rào Rằng đây cũng đặng se duyên tơ hồng Hợp lòng, đồng cảm chung thân Thiệp hồng ta viết cùng tên trọn đời. |
Cháu ngoại, Ninh Tỉnh Dĩ trí viễn
Bùi Quang Vinh
I- Tôi học được câu ngạn ngữ này trong Tam Quốc chí, đoạn Lưu Bị “Tam cố thảo lư”:
“Khi Lưu Huyền Đức bước vào nhà, thấy treo hai câu ngạn ngữ :
Đạm bạc dĩ minh trí.
Ninh tĩnh dĩ trí viễn.”
Ninh là khoảng không gian trong nhà, đúng hơn là trong “gia trang”. Ngày xưa, nhà khá giả sống trong gia trang. Có thể so sánh gia trang như những biệt thự bây giờ. Nhưng gia trang rộng lớn hơn, vì có nhiều thế hệ sống chung, và không phải xã hội công nghiệp.
II. Chỉ là sự tình cờ, tôi làm quen với mấy “cháu ngoại”. Cháu ngoại dễ thương lắm. Đây là nhận thức khách quan. Bởi vì khi dạo chơi, nó thu hút cả ông ngoại và mấy cô dì khác; nhất là mấy cô dì tre trẻ, hay tới làm quen; tại vì ông cháu này, có vẻ ngồ ngộ sau ấy …
Ngày bé dọn tới nhà đối diện, bé chưa biết lật, còn bé lắm …Ông ngoại tới làm quen, cho đúng “phép lịch sự“. Chỉ là đứa bé tầm thường thôi, đứa bé con nhà nghèo…Ngồi chơi một lát, ông ngoại xin bồng bé ra ngoài chơi cho mát. Nhưng mẹ phán: “Không được ra ngoài! Mai mốt quen, cứ đòi ra ngoài, ai chịu nổi!…”.
Í…! đâu như thế được! đâu thế được…! Lạy trời, hãy cho bé được chạy chơi …
(Ngoài trời, có gió tẩu tán thán khí, thành ra không khí tinh tuyền, Phật gọi là “Phong Đại” (*) – yếu tố chuyển động – Trong nhà không có gió, không khí tích tụ, nên không thể là “Phong đại” được).
Thành ra , bé đi dạo mát , là sự việc quí nhất. Hãy để bé được hưởng sự “tinh tuyền”. Tôi nhủ thầm, phải phấn đấu, phải giúp bé! Thế là buổi sáng, bé được dạo chơi… “lén”. Được hít thở tinh anh buổi ban mai. Được nhiều lắm … Món quà quí của cuộc đời, của ông ngoại …
Ngày thứ ba, ông ngoại đến, bé mừng lắm. Vừa mới xốc nách, tay chân bé quýu lại , người cứng đơ… (Phải mấy hôm sau mới biết do bé mừng quá). Cũng rất buồn vì ba mẹ không cảm nhận được. Thôi, đành chịu vậy…
(Còn tiếp)
Chú thích:
(*) Phong Đại là một trong “Tứ Đại”. Phật cho rằng Tứ Đại tạo nên sự sống :
- Yếu tố chuyển động (Phong-Đại),
- Yếu tố rắn chắc (Địa-Đại),
- Yếu tố viêm nhiệt (Hỏa-Đại),
- Yếu tố lưu nhuận (Thủy-Đại).
22 tháng chạp năm Nhâm Thìn,
Thanh Phong BQV.
Ước vọng
Lê Trung Châu
Có những cái bất ngờ rất hay. Tấm hình cũ ở trường P.Ký của anh Hữu Phước thì tôi xin nhờ anh Hùng kể lại hay hơn. Vì bắt nguồn từ đó tôi mới liên lạc được với các bạn.
Tôi cảm ơn anh Hùng cho tôi món quà đó vào dịp Giáng Sinh 2012. Lúc tôi nhận được thì tôi có cảm tưởng là tôi được trúng số độc đắc.
Tôi được cơ hội để vô VeQue.com, để trở về quá khứ 40 năm về trước và tôi đọc lại những gì các bạn đã viết và tôi cũng có viết là:
“Ước vọng gần nhất của tôi là chúng mình đậu hết năm nay. Ước vọng xa xa một tí là tụi mình còn gặp nhau bất cứ chỗ nào và lúc nào để …”.
Và bây giờ tôi thấy tôi có cái may mắn là hai ước vọng đó tôi đều đạt được theo thời gian.
“Chúng mình đậu hết năm nay” thì tất cả các bạn đều đậu hết, chỉ có một mình tôi bị rớt, và cũng không sao vì sang năm sau tôi đổi qua ban C rồi tôi cũng được đậu.
“Tôi sẽ gặp được các bạn” thì giờ đây tôi cũng được mãn nguyện vì tôi sẽ được ăn Tất niên cùng với các bạn và đón Xuân 2013 ở gần trường cũ.
Và kỳ này, tham dự báo Xuân như một ngày nào, xin phép các bạn tôi lại tái phát có hai ước vọng nữa là:
“Ước vọng gần của tôi là chúng mình thành đạt ước vọng riêng tư trong năm nay. Ước vọng xa của tôi là “tình yêu như biển, biển rộng hai vai” của anh Trịnh Công Sơn”.
Ngồi đây kế bên trường cũ và xin viết vài lời cho các bạn vào dịp đầu năm 2013.
Gái Gia Long & Trai Petrus
Huỳnh Kim Hải
(Thân tặng hai bạn Khánh & Phượng)
|
Gái Gia Long sánh vai trai Pétrus,
Hai đứa mình quấn quít sát bên nhau, Dẫu đôi ta nghèo khó hoặc sang giàu, Dù đôi mình ốm đau hay khoẻ mạnh, Nơi xứ lạ, như đôi chim liền cánh, Vai kề vai, chung gánh nợ công danh. Anh với em luôn chăm chỉ học hành, Ta cố gắng cùng ganh đua học hỏi, Tô mì gói, tạm no lòng buổi tối, Khúc bánh mì, ăn vội thế cơm trưa, Có những hôm, giông gió, mịt mù mưa, Nỗi nhớ nhà, bỗng thừa dịp, xôn xao. Nhớ mẹ cha, lòng thổn thức, nghẹn ngào, Đôi dòng lệ chợt trào dâng ướt mắt, Con quyết chí, làm mẹ cha rạng mặt, Chẳng phụ lòng, người đặt ở nơi con, Thương nhớ con, cha mẹ đợi mỏi mòn, Lòng lo lắng, dạ héo hon, phiền toái. Nay con trẻ đã công thành, danh toại, Cha mẹ cười khoan khoái, hối con mau, Sớm se duyên, kết mối nợ cau trầu, Em sẽ làm cô dâu thảo, hiền ngoan, Anh phải là chú rể quí, đàng hoàng, Hồn ngây ngất, mơ màng, ta yêu nhau. Ta đắm say trong hạnh phúc muôn màu, Tình ân ái trao nhau luôn thắm thiết, Anh cứ nhớ, cứ thương em da diết, Em vẫn hằng mải miết nói yêu anh… Ngày hôm nay mộng ước đã đạt thành, Tình đôi lứa, công danh và sự nghiệp. |
Tranh vui
Cao Minh Bửu Ngọc
……….Tháng 6/2013 Saigon – Vietnam
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Cao ẩn sĩ AZ 2013
Tản mạn cuối năm
Phạm Văn Đình
Quay đi quay lại thế mà tôi đã ở nơi này đến gần 30 năm. Hồi mới dọn về đây tôi rất thích thành phố này vì nó nhỏ, ít người, yên tịnh. Từ nhà tôi ra phi trường quốc tế khoảng 20 phút, ra chợ VN cũng chỉ từng ấy, chỗ làm thì xa hơn nhưng đi bằng xa lộ nên không đến nỗi nào.
Vùng này không đẹp, chả nên thơ, mà cũng chẳng trữ tình nên ít người đến thăm. Mỗi lần có người đến, hai vợ chồng quýnh lên, không biết phải đưa họ đi đâu, xem cái gì vì quả thực, chả có cái gì đáng xem cả. Không những vậy, vùng này nhiều trang trại nuôi bò nên ông bà nhạc tôi lúc còn sống, mỗi lần ghé thăm tụi tôi thỉnh thoảng lại hỏi bâng quơ:
- Này cậu, có ngửi thấy mùi phân bò không?
- Thưa không
- Chắc cậu ở đây quen mũi rồi không thấy
- Quả thật con không ngửi thấy gì cả
- Hừm … rõ ràng là mùi phân bò nó phảng phất đâu đây
Thực sự thì mũi tôi điếc nên không ngửi thấy là phải, nhưng tôi nghĩ ông bà nhạc tôi đúng vì đã có lần vợ tôi thì thào “Em cũng ngửi thấy mùi phân bò nhưng nhẹ thôi”.
Ba mươi năm trôi qua, mùi phân bò đã hết. Những đồng cỏ to lớn chung quanh khu nhà tôi giờ đã mọc lên không biết bao nhiêu là nhà riêng, nhà cho thuê, thương xá, bệnh viện, và rất nhiều chỗ ở cho người già (người Mỹ gọi là Nursing Home). Cái chữ “nursing” coi vậy chứ khá chính xác. Ông cụ tôi thường nói “Càng già thì càng giống như trẻ con, hay hờn dỗi, mau nước mắt, già nữa thì thành trẻ sơ sinh, phải có người chăm lo từng chút mới sống được“. Hồi còn trẻ, tôi bỏ ngoài tai câu nói của ba tôi. Bây giờ trước ngưỡng của tuổi già, mỗi lần đi ngang qua một cái “Nursing Home” (tôi gọi là Nhà Chăm Sóc), thấy những người già ngồi xe lăn hóng tí gió tí nắng, dơ tay vẫy nhẹ những chiếc xe đi qua, những người đi lại, tôi cảm nhận được cái cô đơn của họ, và tôi ngậm ngùi – liệu mai đây mình có phải vào đây?
Tôi ở địa đầu vùng tây nam Hoa Kỳ, nơi mà người Mỹ nói “Miền Tây bắt nguồn từ đây” (Where the West begins). Hai trăm năm trước, miền tây Hoa Kỳ đẹp, hùng vĩ với rặng núi Rocky, với hẻm vực Colorado, những đồng cỏ bao la bát ngát, những đàn bò thủng thẳng gậm cỏ tươi, và những bầy ngựa hoang đầy tự do, khi vui nó ở khi buồn nó đi.
Tôi mê cái hào hùng và tự do của bầy ngựa hoang đen xậm trong bóng hoàng hôn đỏ rực, rặng núi xa xa trông như một lưỡi cưa ở cuối chân trời, cả không gian rộng lớn thanh thoát trước mặt, đàn ngựa muốn đi đâu thì đi. Tiền của nào mua được cái tự do và hào hùng như thế? Nếu có đầu thai kiếp sau, xin cho tôi làm ngựa hoang. Một người bạn của tôi nghe được, nó cười cười:
- Chúa bà nào mà dại dột cho mày làm ngựa hoang?
- Tại sao?
- Tại vì mày chỉ muốn làm ngựa đầu đàn.
- Thì đã sao. Ngựa đầu đàn oai hơn những con khác.
- Được thế đã khá. Đằng này mày muốn làm con đầu đàn vì đi đâu cũng có hàng trăm con cái chạy theo sau, tha hồ mà truyền giống.
- Mày nói sai. Tao chỉ thích oai, không cần truyền.
Dĩ nhiên chẳng có thằng quái nào tin lời tôi vì suy bụng ta ra bụng người. Vả lại, tài hoa thì gái nó theo. Vừa tài hoa vừa oai phong lẫm liệt thì nó còn theo bạo, bởi vậy những câu chuyện về giai nhân và danh tướng không bao giờ chấm dứt.
Mùa đông ở đây ấm, năm thì mười họa tuyết rơi một lần, loe hoe một tí trên mái nhà, trên xe, trên cỏ … nhưng cũng đủ để mọi người reo hò mừng tuyết. Trẻ con nghỉ học, người lớn trốn việc, TV và Radio nói chuyện tuyết cả ngày, các nhà khí tượng vỗ ngực bồm bộp khen mình đoán giỏi. Riêng tôi thì có dịp đi thơ thẩn với vợ hiền, chụp vài tấm hình gửi cho mấy người bạn để khoe nơi mình ở cũng có tuyết như ai, gặp hôm giở dời có thằng gửi lại những tấm hình tuyết cao đến bụng ở nhà nó kèm với câu “Đây mới thực sự là tuyết”. Mà phải công nhận tuyết ở miền bắc đẹp thật, nó làm tôi nhớ đến một câu nói của một người con gái tuổi thanh xuân “Màu trắng của tuyết cũng đẹp như màu vàng của lá anh nhỉ”.
Năm nay tuyết rơi ở đây đã hai lần. Lần đầu đúng vào ngày lễ giáng sinh, rồi cách đây vài hôm, thêm một lần nữa. Tuyết rơi không nhiều nhưng đủ làm tôi bâng khuâng. Ba mươi chín năm trước, tôi và Khánh ăn cái lễ réveillon đầu tiên trong đời ở gia đình một người Gia Nã Đại. Lúc đó, hai đứa vừa tròn 18 tuổi, đón giáng sinh ở một nơi xa gia đình và quê hương hơn mười ngàn dặm, nhưng chẳng nhớ nhà mà cũng tạm quên đi bạn gái ở Việt Nam. Vì sao? Vì cả hai cùng mê mẩn với hai chị em sinh đôi, con gái ông chủ nhà. Hai nàng mắt nâu, tóc vàng xõa vai, mười sáu trăng tròn , đẹp như trong bài thơ Mùa Thu Paris của Cung Trầm Tưởng. Tuổi thanh niên có khác, gặp con gái đẹp thì chả còn biết trời trăng gì nữa.
Như một phép mầu, tôi viết đến đây thì vài phút sau Khánh gọi. Cái này là ma xó, thần giao cách cảm, hay chỉ là một sự ngẫu nhiên tình cờ? Bạn bè rất thích thằng này. Họp mặt mà không có nó thì mất vui ngay, nguyên do cũng là vì cái tính bướng bỉnh nhưng dễ thương của nó. Đại khái là nó hay cãi nhưng không bao giờ sai, nếu sai thì nó bẻ lại cho đúng. Một người bạn trêu nó “Mày mà đi lính, nếu không bị thượng cấp lột lon thì cũng bị lính nó bắn bỏ”. Nó trả lời ngay “Biết vậy nên dại gì đi lính”. Câu trả lời quá hay, quá chính xác, người bạn tôi không làm sao cãi thêm được, thôi thì đành cho nó lên chức “Đại úy cứng đầu” cho vui cửa vui nhà.
Khánh chơi với tôi gần nửa thế kỷ năm nên hai đứa có rất nhiều kỷ niệm. Đã nhiều lần tôi định viết về nó dưới tựa đề “Người bạn già thành Troa” (từ cái tên thành phố Troy, nơi nó ở). Tôi muốn lắm nhưng chắc không làm được, phần vì trí nhớ và chữ nghĩa bắt đầu kém cỏi, phần thì viết đến bao giờ mới xong? Chỉ nội cái tình sử “mài sắt nên kim” của nó thôi cũng đã có thể phóng tác thành một trường thiên tiểu thuyết, tình tiết như truyện võ hiệp Kim Dung, lâm ly bi đát như phim bộ Đại Hàn.
Truyện chưởng thì ngày xưa tôi thích chứ không mê, nhưng Khánh thì mê lắm. Bây giờ nó vẫn còn thích đọc – “Đọc truyện chưởng là một cái thú của tao”. Truyện chưởng đến với tôi qua bộ “Lệnh Xé Xác” của Lã Phi Khanh, tôi còn nhớ mang máng là đăng từng kỳ trên báo Chính Luận (?). Chú Quới, người hàng xóm cạnh nhà tôi, ngày nào cũng đón xem. Đọc xong rồi chú mới thở phào nhẹ nhõm để đi làm. Ngày nào không có báo, hay có báo mà không có “Lệnh Xé Xác” thì chú bứt rức khó chịu ra mặt. Dĩ nhiên là tôi đọc ké báo của chú. Được vài lần tôi hỏi:
- Ê Khánh, truyện Lệnh Xé Xác chả ra ngô ra khoai mà sao nhiều người mê thế?
- Thì mỗi người một gu
- Tao thấy truyện chưởng xạo quá. Làm gì có chuyện một nhát đao cả trăm cái đầu rụng, người đi băng băng trên ngọn cây như chim.
- Thế mới là truyện chưởng. Nó làm cho mình quên đi những nỗi ưu tư thường ngày.
Thằng này lẩm rẩm thế mà đúng. Tôi hỏi tiếp:
- Thế truyện nào hay. Tao thấy Lệnh Xé Xác máu me quá.
- Mày phải đọc truyện Kim Dung.
- Bộ nào hay?
- Bộ nào cũng hay.
- Thật không? Mày thích nhất bộ nào?
- Bộ nào tao cũng thích. Mày cứ đọc thử Thiên Long Bát Bộ là sẽ thấy tao đúng
Đọc được vài quyển đầu, tôi hỏi Khánh:
- Đoàn Dự, chung tình, đa tình, hay dại dột hở mày?
- Chung tình và đa tình.
- Tao thấy Đoàn Dự không thực tế. Cứ vô vọng chạy theo Yến tỉ tỉ trong khi Thanh muội với Linh muội sờ sờ ngay bên cạnh mà không biết hưởng.
- Tình yêu với thực tế thường không đi đôi với nhau.
- Đúng, nhưng Thanh Linh muội xinh đẹp như vậy, yêu mình như vậy, mà cứ lờ đi thì hơi phí của giời. Ngày xưa, trai năm thê bảy thiếp là thường cơ mà.
- Mày mới đọc phần đầu. Truyện còn dài. Cứ xem hết rồi sẽ biết.
Đọc xong tôi mới biết sau cùng thì cả ba cô cùng mê Đoàn Dự, mà chàng thì lúc nào cũng yêu cả ba. Dù vậy, Mộc Uyển Thanh mới thực sự là người con gái mà chàng yêu nhất nên đã quyết định kết hôn với nàng và lập làm hoàng hậu, lập Chung Linh làm phi tần. Còn với Vương Ngọc Yến, chàng nhận ra là đã thánh hóa tình yêu của mình với bức tượng ngọc bích (Thần tiên tỉ tỉ) gán cho cô nên đã để cô ra đi.
Bạn tôi, có đứa vừa đa tình vừa chung tình như Đoàn Dự, nhưng thời hiện đại không thể lập thứ phi nên các chàng chỉ thờ một hoàng hậu. Các phu nhân cũng khôn khéo lắm, biết phu quân vừa bước vào tuổi trung niên, đầy lịch lãm, thả ra là sẽ có vài muội muội nó vo ve nên thỉnh thoảng lại rỉ vào tai “Anh ơi, em không phải là thánh. Thứ nhất, em không bao giờ tha thứ, thứ hai, em có Thiên Sắc Bảo Đao”.
Thưa các phu nhân hoàng hậu, tuổi thanh xuân của chúng tôi đã qua, bây giờ già rồi, da nhăn, tóc bạc, xuống sắc, văn đã khô, thơ đã cạn, ngón tay run không giữ nổi phím đàn, giọng đã khàn không lên nổi cung si, thì làm sao mà muội muội nó mê được? Không tin cứ thả chúng tôi ở thương xá Phúc Lộc Thọ xem có bà già em trẻ nào nó nhìn không?
Mà không có ai nhìn thật. Cách đây mấy tháng, tôi có dịp uống cà phê bố láo với vài người bạn ở thương xá Phước Lộc Thọ.
- Ê mày, ngồi đây cả tiếng rồi sao không thấy muội nào đi qua liếc mắt đưa tình?
- Đẹp trai như tài tử phim bộ Đại Hàn thì may ra chứ mày thì còn khuya.
- Tao vừa lùn vừa xấu thì còn hiểu được, nhưng thằng Ngọc thì sao? Ngày xưa nó đẹp trai nhất hạng.
- Đó là chuyện ngày xưa. Bây giờ nó già rồi. Ai thèm?
- Còn Đại Úy Khánh? Tao thấy nó cũng đẹp lão đấy chứ.
- Thằng đó còn ăn khách. Có điều nó sợ sao “thiên sắc”, nên có muội nào nhìn là nó quay đi chỗ khác ngay.
Cuối năm, tôi nhớ những người bạn của tôi, nhớ từng đứa một. Nhiều đêm không ngủ, tôi viết miên man về tụi nó, về cá tính, tâm tình của mỗi người, những kỷ niệm chung và riêng, những chuyện vui buồn thuở học trò, thuở làm thơ yêu em, thời sinh viên nghèo túng, chật vật, chuyện này xọ chuyện kia, không thứ tự, không nhập đề mà cũng không đoạn kết. Tôi viết rồi xóa, rồi viết lại, dường như tôi sợ mai mốt không còn nhớ được nữa nên viết đi viết lại cho đỡ quên.
Bọn tôi không được may mắn ở gần nhau nên nối tình thân qua ngòi bút. Lâu lâu thấy yên lặng quá thì gọi điện thoại hỏi nhau có đau ốm gì không. Coi vậy chứ quả đất không tròn mà cũng chẳng nhỏ như người ta thường nói. Biết đến bao giờ bọn tôi mới được ở chung một thành phố?
Một thoáng nhìn lại mình
Nguyễn Hữu Phước
Chào các bạn,
Tôi sẽ kể về một vài việc xưa liên quan đến tôi mà thôi do nói về mình thì không phải sợ mích lòng ai hết.
I- Các bạn có nhiều liên hệ công khai bạn bè giữa các học sinh của trường Petrus với Gia Long hoặc Trưng Vương hay trường nữ khác. Các bạn có thấy tôi liên hệ với ai không? Câu trả lời là không. Lý do có lẽ ít người biết được. Thật ra tôi rất nhút nhát, không dám tiếp xúc với các cô gái.
Né như thế cuối cùng lại được phản ảnh là “ỷ học giỏi rồi làm phách”. Câu trách này do bạn Lê Minh Triển đã chuyển lời từ các cô Bích Vân, Kim Hạnh, Dung đến tôi. Bạn Triển còn nhớ không? Tôi không có ý kiến gì khác khi nghe những lời đó nhưng thực sự tôi không làm phách mà là tôi không biết nói gì nên sợ gặp.mặt. Từ khi tôi nghe được câu đó, khi đi học thêm toán lớp 12 tại trường Hưng Đạo, khi nào tôi dắt xe vào sân cũng nhìn lên lầu 3 xem có cô nào trong ba cô ấy hay không. Nếu có cô nào ở gần cầu thang này thì tôi sẽ lên bằng cầu thang khác. Hết khóa học đó, tôi hoàn toàn không gặp và không biết tin gì về ba cô ấy đến nay. Thật tình ba cô ấy là bạn học chung lớp luyện thi đệ thất từ năm học 1965-1966 cùng với bạn Minh Triển, Hòa Minh, Văn Hoàng (bên lớp 12B1). Chỉ gặp lại tại khóa học thêm năm 1972-1973. Tôi nhận ra các cô ấy từ đầu nhưng không hề nói chuyện nên bị chê như thế đấy. Thật là vô dụng!
Năm lớp 10, phòng học chúng ta buổi tối có lớp đêm học, trong đó có một số học sinh nữ. Các bạn Minh Triển, Đăng Phúc, Văn Nên… viết thư liên lạc để lại trong khe hở của bàn để tìm bạn (gái) kết giao. Tôi cũng bắt chước như thế nhưng chỗ tôi ngồi ban đêm là một đưc rựa. Huề tiền luôn. Đó là lần duy nhất tôi có ý như thế trong đời đi học.
Cả 17 năm tôi đi học, các lớp chính khóa toàn là nam sinh. Tôi rất ít giao tiếp với người khác phái nên không có bạn gái trong khi đi học.
Tôi quá nhát chứ không mạnh dạn như các bạn Khánh, Đình … và càng không dám nói gì đến “động hoa vàng” như bạn Thành, bạn Dũng, … nữa.
Tháng 5-1975, do thời sự nên không học. Rất nhiều sách người ta mang ra bỏ. Tôi không có gì làm và học nên lấy sách đọc. Trong đó có sách dạy coi chỉ tay, lập tử vi, coi tướng. Tháng 8-1975 đến tháng 11-1975 tôi tham gia một chiến dịch với lực lượng nòng cốt lấy từ sinh viên và thanh niên ở các địa phương. Thời gian này tôi bị tập trung theo đơn vị cấp đại đội đóng ở nhiều nơi trong thành phố. Mang danh đại đội nhưng nam giới chỉ có số lượng ngang với 1 tiểu đội, còn lại là nữ được huy động từ các địa phương. Thời gian ở không tôi bèn coi chỉ tay để giết thì giờ. Coi tay giởn chơi đở buồn nhè đâu thành vạ. Gần cả đại đội nữ nhờ coi bói mới chết. Không thể ngủ được mấy ngày liền vì phải coi suốt ngày lẫn đêm. Khổ nhất lại là không nhớ mình đã bốc phét cái gì cho cô nào và không nhớ nổi cô này đã xem hay chưa? Sợ phán lần này trật lần trước mất linh của thầy. Quá ư căng thẳng và quá sợ nên tôi đành giải nghệ thầy bói vĩnh viễn dù mới làm nghiệp dư. Cũng không có bóng hồng nào vương vấn với tôi trong chiến dịch này.
II- Thấy bạn Hồ Thái Bình làm Tổng thư ký của Trường PK oai ra phết, tôi nảy ra ý định làm như Bình ở năm sau tại môi trường Đại học. Tranh giành chỉ mới ở tổ F2 (năm thứ nhất thuộc khoa cơ bản; có 12 tổ, tôi trúng cử tổ trưởng) mà tôi đã thấy mệt mỏi và mất ngay hăng hái ban đầu. Tôi tự biết khả năng của mình trong lãnh vực quan hệ công chúng còn kém. Tôi không tranh đấu tiếp để có vị trí gì nữa ở lớp cơ bản và không làm “đầu tàu” trong 4 năm học còn lại. Phải công nhận rằng khả năng quan hệ công chúng của bạn Bình tốt thật. Sau này cũng tốt như vậy. Thôi lo học tốt là đủ cho mình rồi. Mình đâu có tài khác đâu mà thi thố với mọi người!
III- Dù không có tài gì khác nhưng tôi lại được người lớn, bề trên tín nhiệm. Đi học hay đi làm bất kể việc gì tôi cũng được cấp trên, các phụ huynh của tôi hay của các bạn, các đồng nghiệp tin tưởng. Không hiểu bằng cơ sở nào để tôi có được sự tin tưởng ấy. Thuở tuổi 20, nhiều đồng nghiệp mời gọi tôi làm rể nhà họ. Đến bây giờ họ vẫn còn nhắc dù mình không làm rể nhà họ. Thậm chí có lần tôi vi phạm quẹo trái tại ngả tư có bảng cấm quẹo trái, bị thổi lại mà vẫn được CSGT tha sau khi nhăc nhở đừng tái phạm trong lúc các xe khác vi phạm lỗi như thế cùng một lúc vẫn bị phạt như thường.
IV- Tôi thường quyết định các việc căn cứ vào tính bảo đảm an toàn, chắc chắn hơn là đạt mục tiêu bằng mọi giá, rủi ro cao. Và tôi cũng không thích đi lên bằng đầu gối, bằng cầu cạnh van xin. Phải chứng minh khả năng của mình để đi lên. Vì thế tôi cũng lỡ rất nhiều cơ hội thăng tiến. Tôi không lấy đó làm buồn.
V- Cuộc đời của tôi như thế diễn ra khá bằng phẳng, không có sự biến động mạnh, không có gì nỗi bật nhưng cũng không quá tệ. Sự bình yên của một người bình dị, an phận với những gì có được dù đến ít, mức độ thấp và khá muộn màng. Đoạn cuối đời lao động mong rằng tiếp tục suông sẻ trong hai năm rưởi nữa. Nếu may mắn kiếm được việc làm thêm khi đã về hưu là ấm trong thời hạn hợp đồng đó. Trước khi không còn đủ điều kiện để đi du lịch, trong vài năm còn lại này, tôi tranh thủ tham quan một số nơi. Nếu đạt được như thế, tôi không còn gì để mong ước nữa. Trong ước mơ nhỏ nhoi ấy, tôi sẽ gặp lại nhiều bạn và ôn lại kỷ niệm xưa.
Đón mừng Xuân
Huỳnh Kim Hải
Mừng xuân mới, mọi nhà đều chuẩn bị,
Làm mứt dừa, mứt bí, mứt hạt sen, Chùi sáng lư hương, đánh bóng chân đèn, Đàn trẻ nhỏ, ngồi chen chân, ngóng chuyện, Dù bận rộn, chẳng ai than một tiếng, Tay vẫn làm, còn miệng cứ huyên thiên, Lau bàn thờ, trời phật với tổ tiên, Sơn nhà cửa, rồi liền tay quét dọn… Ngâm củ kiệu, làm cải chua, dưa món, Lặt lá mai, ngắt ngọn, dạ thầm mong, Đêm ba mươi, hoa nở, mới thỏa lòng, Cắt lá chuối, lá dông xanh, gói bánh, Lựa nếp ngon, chọn thịt mỡ, đậu xanh, Nấu bánh chưng, làm bánh tét, bánh dầy… Mẹ đo ni, cắt vải đẹp, ngồi may, Quần áo mới, cho bầy con, lũ cháu. Hăm ba tết, cùng tiển đưa ông táo, Tối ba mươi, con cháu rước tổ tiên, Mừng đón xuân, về đến khắp mọi miền, Niềm vui sướng, triền miên theo nhau tới, |
Mắt rạng rỡ, tươi cười, quần áo mới,
Đón giao thừa, mong đợi, pháo nổ rần, Lòng hân hoan, tâm phơi phới, lâng lâng, Thắp hương nến, tạ ân trời, lộc đất. Mùng một tết, sớm lên chùa lễ phật, Hái lộc về, xông đất, chúc cả nhà, Chúc ông bà, con cháu, chúc mẹ cha, Lắm may mắn, cửa nhà thêm hưng thạnh, Nhiều phúc thọ, an lành, luôn khoẻ mạnh, Trí thảnh thơi, lòng hạnh phúc, vui tươi, Khắp mọi nơi, đều náo nhiệt, đông người, Cười rộn rã, tiếng cười, dòn như pháo… Bên bếp lửa, lấy nồi niêu, vo gạo, Nấu mâm cơm, con cháu kính ông bà, Tỏ chút lòng, hiếu thảo với mẹ cha, Thật ấm cúng, cả nhà, đông đủ hết… Thăm lối xóm, viếng người thân, chúc tết, Rủ bạn bè, thết tiệc, thỉnh cô thầy… Bên người yêu, mừng năm mới, ngất ngây, Niềm hạnh phúc, tràn đầy, xuân tươi thắm. |
Thế nào là người có đạo đức
Nguyễn Tấn Phước
Xưa nay, theo cách hiểu thông thường, người có đạo đức là “người ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, thích làm điều thiện, không làm điều ác”. Cách hiểu này không sai, nhưng không toàn diện và không nói lên hết những yếu tố để nhận định, đánh giá về đạo đức của con người.
Thật ra, để đánh giá đạo đức của một người phải xét trên 4 yếu tố – đây cũng là cách xét mức độ đạo đức của người đó.
Yếu tố thứ nhất:
Người có đạo đức là người biết phân biệt điều đúng và điều sai. Đây chính là kết quả của quá trình giáo dục tại gia đình, nhà trường hay xã hội.
Sự hiểu biết về những điều phải hay trái, tốt hay xấu chỉ là mức độ thấp nhất của chuẩn mực đạo đức. Nhiều người biết rõ những điều sai nhưng vẫn làm sai, biết ăn cắp là xấu nhưng vẫn ăn cắp (dưới hình thức này hay hình thức khác).
Người ta không ăn cắp tài sản của cá nhân người nào, nhưng sẳn sàng ăn cắp của công. Cán bộ, công chức ăn cắp giờ công để làm việc riêng, người dân ăn cắp điện để tiêu dùng hay sản xuất … Người ta sẽ có đủ lý do để biện hộ cho việc ăn cắp đó và cho là mình không vi phạm đạo đức.
Một nhà giáo thường xuyên đi dạy vào trễ, về sớm, dạy không đủ nội dung … cũng có thể hiểu như một viên chức lãng công.
Yếu tố thứ hai:
Người có đạo đức phải có khả năng kềm chế để không làm điều sai, điều xấu.
Để có thể chống lại sự cám dỗ về vật chất hay tinh thần, giúp cho người ta có có đủ nghị lực tránh xa những điều sai trái thật không dễ dàng.
Một cán bộ cao cấp có quyền lực, nếu không dằn được lòng tham thì rất dễ sa vào tội tham ô, hối lộ. Nhà giáo thường có cuộc sống vật chất không sung túc, nếu không chấp nhận sự thanh khiết của nghề nghiệp và nếu có cơ hội thì họ vẫn có thể bị sa ngã và sẳn sàng làm những việc tiêu cực trong nghiệp vụ giáo dục và đào tạo.
Yếu tố thứ ba:
Người có đạo đức phải có khát vọng muốn làm điều tốt, làm việc thiện.
Nếu chỉ có hiểu biết điều nào đúng, điều nào sai và không làm điều xấu thì cũng chưa thể gọi là người có đạo đức đúng nghĩa. Người có đạo đức cần phải có thói quen, ý thích, ham muốn, khát vọng làm điều tốt, làm việc thiện khi có thể.
Khi nhìn thấy đồng bào, nhân dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai hay dịch họa, người có tấm lòng đạo đức sẳn sàng bỏ của cải tài sản mà mình tích luỹ nhiều năm để cứu giúp. Khi thấy người bị nạn, người ta sẳn sàng hy sinh ngay cả bản thân mình để cứu người nếu có thể. Đã có nhiều em nhỏ liều mình hy sinh cứu bạn khỏi nước lũ cuốn trôi. Đối với họ, việc làm điều tốt, điều thiện chính là đạo lý.
Yếu tố thứ tư:
Người có đạo đức phải có khả năng cảm hoá được người khác để chuyển họ từ người xấu thành người tốt.
Trong cuộc sống, thường người ta nhìn thấy rõ người tốt người xấu, người thiện người ác. Tuy nhiên, vì sợ quyền lực, vì sự bình an cho mình, cho người thân, người ta không dám chống lại cái xấu, cái sai. Điều này vô tình đã thoả hiệp với tiêu cực, với cái xấu, làm cho cái xấu trở nên bình thường.
Người có đạo đức phải dám chống lại cái xấu, ngăn chặn cái xấu và cao hơn hết là cảm hoá được người xấu trở nên tốt. Việc ngăn chặn cái xấu, chống lại cái xấu có trường hợp là chống lại quyền lực của những người có chức, có quyền. Như vậy, để làm người có đạo đức đôi khi phải có cả dũng khí.
Thật ra làm việc tốt, làm điều thiện sẽ dễ hơn gấp nhiều lần việc chống lại cái xấu, cái sai. Ta vẫn thường nghe thấy trên các phương tiện thông tin, những người tốt hay giúp đỡ người khác thì rất nhiều (đây là điều đáng mừng trong cuộc sống). Tuy nhiên những người dám tuyên chiến với cái sai, cái xấu quả là hiếm hoi.
Trong vài năm gần đây, những người tham gia công tác từ thiện ngày càng nhiều. Chúng ta nghe nói nhiều đến những chương trình xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, xây dựng nhà mở cho trẻ em mồ côi, cho những phụ nữ lầm lỡ trong cuộc sống, các bếp ăn tình thương cấp phát cơm miễn phí cho người nghèo, người bệnh …Thật đáng trân trọng đối với những công việc từ thiện nói trên và những người này thật xứng đáng khi được vinh danh là những con người sống có đạo đức.
Tuy nhiên, những người dám mạnh dạn đứng lên tuyên bố chống lại cái xấu, vạch mặt, chỉ tên những người có thế lực gây nên hậu quả nghiêm trọng cho nhiều người, có tội ác với nhân dân thì hiện còn quá ít. Sự an toàn cho mình và người thân làm cho người ta không đủ can đảm làm công việc thật đạo đức đó. Để đạt đến mức độ đạo đức cao nhất (yếu tố thứ tư) quả là điều không đơn giản.
Có lẽ không người nào dám nhận mình là người có phẩm chất đạo đức tốt. Đó chính là lý tưởng mà mỗi người cần phải rèn luyện và học tập -có khi rèn luyện và học tập suốt đời- để đạt đến.
Du-lịch cuối năm
Lê Hữu Trí
Nhóm chúng tôi gồm 6 người tự tổ-chức một chuyến du-lịch cuối năm tại vùng Kimberley ở Tây Bắc của Úc. Thành-phố lớn nhất ở vùng này là Broome.
Từ Melbourne đến Broome không có chuyến bay thẳng nên chúng tôi phải đi cong. Gần 4 tiếng bay từ Melb đến Perth, sau đó 3 tiếng từ Perth tới Broome.
Broome, thành-phố du-lịch nổi-tiếng của Tây Úc, thật ra chỉ là một thành-phố nhỏ dân-số 16 ngàn người. Mùa cao-điểm du-lịch (tháng 6) dân-số tăng gấp đôi do số lượng du-khách kéo tới.
Bước xuống máy-bay chúng tôi cảm thấy ngay cái khí-hậu ấm-áp quen-thuộc của vùng nhiệt-đới. Từ 20°C trong máy-bay biến thành 37°C bên ngoài thì cứ như ở trong bếp thình-lình mở cái oven ra trước mặt mình vậy mà.
Do đó sau khi ổn định chỗ ăn-ở việc đầu-tiên là phóng xe ra bãi-biển chính của vùng này.
Bãi-biển thật hiền-hòa, rất lài, đi 500m mà thấy nước vẫn chưa tới đầu gối. Đặc-biệt là thủy-triều ở đây rất cao (trên 10m) nên bãi-biển lúc triều lên và triều xuống trông thật khác xa nhau. Nước biển ấm như nước mình pha khi tắm ở các xứ ôn-đới. Cho nên đã xuống biển rồi là không muốn trở lên nữa các bạn ạ.
Những ngày ở Broome chúng tôi đi tắm biển ngày 2 bận, sáng sớm một cử rồi chiều gần tối cử thứ hai. Tắm như chưa bao giờ được tắm! Chẳng có biển nào ở vùng Đông Nam Úc có nước ấm và bãi-biển sạch đẹp hơn đây cả, ngay cả các bãi-biển nổi-tiếng của Gold Coast, Queensland.
Nhiệt-độ ban ngày khoảng 37°C, ban đêm 27°C nên lên tới đây là mọi người gần như suốt ngày quần cụt, áo thun, đi dép lê… kéo lệt-xệt, thiếu điều muốn vất bỏ hết áo xống ra cho nó mát!
Hầu hết các bãi biển ở Tây Úc cát trắng phau như bãi Đại-Lãnh của VN. Nhưng bên trong đất liền gần như toàn một màu đất-đỏ giống như các cao-nguyên của miền Nam VN. Tây Úc là tiểu-bang thưa-thớt dân-cư của Úc nhưng là tiểu-bang giàu-có nhất nhờ xuất-cảng khoáng-sản. Chúng tôi thường nói đùa là anh Úc này giống như một địa-chủ giàu-có cứ véo đất ra bán lần mà ăn!
Trong hai ngày đầu ở Broome chúng tôi đi thăm nơi nuôi ngọc trai, bảo-tàng về ngọc trai và mua sắm chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày qua các thành-phố nhỏ.
Đã vào các khu thương-xá rồi là chỉ muốn đi loanh-quanh trong đó thôi không muốn ra bên ngoài với nhiệt-độ của cái oven nữa.
Ở Broome da trắng là đa-số nhưng đi đến các thành-phố lân-cận khác như Fitzroy Crossing, Halls Creek, Wyndham hay Kununurra thổ-dân (aborigines) rất nhiều. Làm việc, bán hàng toàn là da trắng hoặc da vàng còn các anh chị thổ-dân da đen chỉ thấy lê-la trên hè phố, nhậu-nhẹt ở các pub (tiệm bán bia rượu và thức-ăn).
Mỗi chỗ tại những thành-phố nhỏ chúng tôi ở lại 1 hoặc 2 đêm sau đó quay trở lại Broome hoàn-toàn thư-giản trong những ngày còn lại trước khi bay về Melb.
Vùng cực Bắc của Úc này có khí-hậu nhiệt-đới tương-tự như VN, hoàn-toàn khác với ôn-đới của các vùng đông dân-cư ở phía Đông Nam Úc như Melbourne, Canberra, Sydney, Brisbane. Cùng một múi giờ với VN, nhiệt-độ cũng tương-tự, cũng có hai mùa nắng mưa như miền Nam VN.
Chúng tôi đến vào đầu mùa mưa. Ngày hôm sau mưa thì tối hôm trước ểnh-ương kêu ầm-ỉ. Lúc mưa có sấm chớp thật đặc-sắc giống như mùa mưa ở quê nhà. Rất nhiều loại hoa quả, thực-vật … sâu-bọ giống như VN nên làm chúng tôi thật nhớ đến VN, người thân và bạn-bè ở VN.
Vượt qua trên 3000km, thăm-viếng nhiều địa-điểm tiêu-biểu như các bạn đã nhìn thấy ở các hình đính kèm. Nhiều lúc lái xe cả trăm cây-số không hề thấy một bóng người, một xe-cộ nào đi ngược lại. Đi về rồi mới thầm cảm-tạ Thượng-đế đã giúp-đở nên chiếc xe không bị một trục-trặc nào cả và chương-trình dự-định từ trước hầu-hết đều diễn ra theo như mình mong muốn. Nếu đi một lần nữa chắc tôi sẽ đi đúng mùa du-lịch và đi bằng 4X4 thì mới coi được hết những cảnh đẹp thiên-nhiên lạ-lùng của vùng này. Nhưng không biết sẽ có chuyến thứ hai hay không?
Một người Úc chuyên viết về du-lịch ở Úc nói rằng phải đi vùng Kimberley này thì mới biết được những đặc-điểm của Outback Australia (tức là phía ngoài, phía sau của nước Úc). Chúng tôi thấy đúng như vậy, chuyến đi thật thú-vị và rất đáng công-sức đã bỏ ra.
Xin bấm vào đây để xem thêm hình
Lãng tử hồi đầu
Huỳnh Kim Hải
(Thân tặng hai bạn Truyển & Thùy)
|
Bạn tôi, vốn nhỏ người, tài trí đủ,
Cả văn chương, thi phú, lẫn hoạ, đàn, Thân gầy gò, lại lớn phổi, bạo gan, Ưa mạo hiểm, thích tham quan, cầu tiến, Đi gần khắp cả năm châu, bốn biển, Lạc thiên thai, tròn miệng, khẽ suýt xoa. Nhẹ bước thăm khe suối, viếng đồi hoa, Ngắm đồng cỏ “bao la”, hồn ngây dại, Cào sâu lún, khơi nguồn khe suối chảy, Thắm cánh đồng hoang dại, trải nắng hồng, Đượm hương rừng ngào ngạt, nước trắng trong, Cho dã thú thoả lòng, vơi thèm khát. Uống ừng ực, nước suối trong, thơm mát, Say hương tình, ngây ngất, thở dập dồn, Giữa núi rừng, đang ngả bóng hoàng hôn, Bầy ngựa hoang, bỗng lồng lộn, thét gào, Chồm lên nhau, lớn tiếng hí, xôn xao, Tình cạn trút, tuôn trào niềm hoan lạc… Trên đường vắng, lá vàng rơi lác đác, Chợt thấy em, ngơ ngác ngóng chờ anh, Mắt ngây thơ, dáng bé bỏng, hiền lành, Hồn trong trắng, mỏng manh như sương khói, Ôm em sát vào lòng, anh che vội, E gió giông chợt thổi, khói sương tan. Anh yêu em, hồn đắm đuối, mơ màng, Thôi mạo hiểm, hết lang thang, lạc lối, Chàng lãng tử đã hồi đầu, hối lỗi, Ta sánh duyên, chăn gối ủ mộng lành, Lập gia đình, tạo sự nghiệp, công danh, Xây tổ ấm, kết thành đôi giai ngẫu. Đi khắp chốn, bên ta luôn có bậu, Quên “chuyện xưa”, không giấu diếm trong lòng, Chẳng luyến lưu ngày tháng cũ cuồng ngông, Ta cùng bậu mặn nồng duyên hương lửa, Vui ân ái ngọt ngào tình đôi lứa, Bình rượu xưa, không chứa, đã quăng lâu. |
Nửa Xuân, Mai và Rượu
Lê Học Lãnh Vân
NỬA XUÂN
Nửa Xuân phơi-phới trên cành
Nửa Xuân gió thoảng đã thành xác hoa…
Tóc Xuân nhuốm ánh dương tà
Lòng Xuân xin nở nụ hoa tặng người…
MAI và RƯỢU
Xuân tàn sót một gốc mai
Sót hai chiếc cốc bên chai rượu nồng
Bạn già thù tạc thong dong
Ngoài sân nắng vãn, trong lòng hoa bay…
NỬA XUÂN
Mồng 3 Tết, trăm cánh mai tàn đã rụng đầy chậu trong khi trăm đóa mai trên cành vẫn còn lộng lẫy sắc xuân… Ta là mai trên cành hay mai dưới đất? Ngẫm lại thấy đời mình đã là vui, là hạnh phúc. Xin được làm đóa-hoa-cám-ơn tặng người bạn đời yêu quí…
MAI và RƯỢU
Chiều mồng 10 tháng giêng, thấy chậu mai tàn vẫn còn đẹp bèn rủ ông bạn thâm giao đến. Khô cá tra dòn rụm, xoài nửa xanh nửa vàng cắn nghe sừn sựt, rượu thuốc nồng thơm. Tô cháo hột vịt muối chặn hậu.
Trong khi nắng chiều còn vẽ từng vệt ngoài của sổ, hai người bạn ngồi trong căn phòng tối dần nhâm nhi từng chút rượu. Ngày sắp hết, Xuân sắp tàn, Đời sắp hưu… Ngó chiều đi mà cảm thấy thật bình yên, dễ chịu trong cái không gian của từng cánh mai rơi lặng lẽ…
Vết lệ nhòa
Lê Văn Truyển
Họ ba người gặp nhau một cuối tuần tại Sing. Họ học chung với nhau trên 40 năm. Như những nhánh sông, họ đi song song và có một khoảng dài xa nhau. Một cuối tuần ba đêm hai ngày, những nhánh sông giao hòa lại. Hai ngày chung một không-thời-gian để chia sẻ mà suốt hơn bốn mươi năm họ không làm được. Cơ hội cho họ gặp nhau và ‘biết nhau’ hơn.
Mỗi người đều bước qua cõi thăng trầm của đời sống, nếm qua những khó khăn. Một điểm chung mà ngồi gần nhau họ mới khám phá ra. Đó là sau bảy lăm trong ngoài đều vất vả. Đều có những chọn lựa quan trọng cho đời họ. Một người sau khi ra trường được giữ lại dạy học, lương tháng còm cõi chỉ trông vào phiếu thực phẩm hàng tháng, phấn còn lại phải đi sửa tủ lạnh, đồ điện mà sống. Một người ra trường nhưng chọn theo đuổi xí nghiệp gia đình. Và người cuối cùng cũng khốn đốn với đủ mọi nghề tay chân để được theo đuổi việc học. Tất cả bây giờ là quá khứ, những nhọc nhằn đã qua đi. Bên ly bia tối khuya, họ kể nhau nghe những mộng ước ban đầu, những hoài bảo thời son trẻ. Họ kể nhau nghe những vụng dại tuổi thơ, những “hình như là tình yêu“ lâu lắm không nhắc tới nay quên. Họ trao đổi quan niệm sống bây giờ, lúc trước. Họ nhắc cả bức tượng đồng đen giữa sân trường và nhớ cả những cây sao cao vút, mùa mưa những cánh hoa sao rơi như nhữnh chiếc máy bay chuồn chuồn trên sân. Không có vết lệ nào vẽ lên được những nuối tiếc của ngày tháng cũ.
Các bạn đi về, nằm ngẫm nghĩ về những buổi tối vừa qua, bỗng tiếng hát như tiếng kể chuyện cất lên. Ngồi gần, kể lại chuyện ngày xưa. Rồi những câu khác lên tiếng tiếp. Một bài hát nói lên tâm trạng của đám học trò rời trường (hay rời địa đàng, với tất cả niềm đam mê, mà khi nhìn lại, giấc mơ nay đã quá tầm tay. Những giấc mơ “kẻ sĩ“ có mộng lấp biển vá trời những năm mài đũng quần trên băng ghế nhà trường chung với nhau. Còn đâu hùng khí “vũ trụ chi gian giai phận sự, nam nhi đáo thử thị hào hùng” ? Những giấc mơ như bong bóng mảnh mai, đụng thực tế cuộc đời vỡ ra như bụi. Những giấc mơ tầm thường như cơm áo, nhưng cũng có những giấc mơ dấn thân làm một cái gì đó cho đời, cho người. Có những kẻ dám sống tới tận cùng của đam mê, nay nhìn lại những gì gặt hái không đúng ý mình mong đợi. Cũng có kẻ vì những ràng buộc, hệ lụy phải buông rơi những lý tưởng nửa chừng.
Rời trường, giã từ một cuộc chơi,
Mỗi nhánh sông đi, mỗi cuộc đời,
Cuộc đời, dòng nước cuốn ta đi,
Mộng ước khi xưa, có được gì?
Và đêm nay, ngồi lại làm tổng kết cho đời mình gần sáu mươi năm, chỉ than được một câu :
Một ngày, ngày đã sắp trôi qua,
Còn thấy trong ta, vết lệ nhòa.
Bài hát này tôi tặng hai người bạn đã ngồi kể chuyện thâu đêm với tôi, và cho tất cả các bạn “tìm thấy mình” trong đó.
Xin bấm vào đây để tải bài nnạc với nốt nhạc
Xin bấm vào đây để nghe bài nhạc đệm bằng guitare
Vui tình bằng hữu
Nguyễn Văn Hùng
Sau 1973, chúng ta chia tay nhau để ra đi bốn phương tám hướng. Trong nhiều năm dài mỗi người trong chúng ta cứ nghĩ rằng khó có ngày gặp lại. Nếu có gặp nhau chỉ là trong mộng. Nhưng không, sau giấc ngủ, mở mắt ra, mở máy ra, thấy xung quanh ta thật nhiều bạn bè. Bây giờ anh em tụ họp lại ngày càng nhiều, ngày càng đông. Hiện đã có 45 bạn liên lạc được: 32 bạn 12B2 và 13 bạn học chung các lớp trước đó. Chúng ta giờ đây ở gần khắp thế giới trừ các nước Phi châu.
Tất cả được khởi đầu từ một buổi họp bạn tại nhà Thành vào cuối tháng 6-2011. Hôm đó Thành tìm được số phone của Tín qua Internet, Thành và Truyển liền gọi ngay về Saigon và gặp được Tín. Ngày hôm sau Truyển viết thư cho các bạn, lúc đó liste B2 của chúng ta chỉ vỏn vẹn có 15 bạn.
Từ đầu 2012 đến giờ chúng ta đã liên lạc đươc với các bạn Luận, Lực Hùng, Long, Ngọc, Cảng, Quế, Vinh, Phát, Chương, Đạt và Trung Châu. Như vậy trung bình mỗi tháng có thêm một người bạn nối lại vòng dây thân ái B2 P. Ký.
Cũng từ đầu 2012 đến giờ, anh em không những viết thư cho nhau và gửi bài cho VeQue đều đều, mà lại còn ráo riết đi gặp nhau, có tháng có 3-4 cuộc họp ở Saigon, ở Little Saigon, ở Houston, ở Paris etc. Tính đổ đồng mỗi tháng có ít nhất một cuộc họp mặt B2, mà hình ảnh và reports đều được ghi lại trên VềQuê.
Các emails đầu tiên chỉ là thư cho một bạn, sau đó là cho tất cả. Chúng ta rất vui vì tìm lại nhau sau 40 năm, và nhất là rất mừng vì tất cả đều được bình an, sau bao nhiêu thay đổi.
Có nhiều bạn không biết lẫn nhau. Chuyện bình thường. Chúng ta là những lớp sóng trước sau choàng lên nhau, nhưng tất cả cùng đổ về biển cả.
Năm 2013, chúng ta còn phải tiếp tục đi tìm 15 bạn 12B2 trong đó có Đinh Bá Lễ, Trầm Mậu Công, Đỗ Mạnh Hùng etc. Hãy xem danh sách B2 gởi qua email. Như bạn Thành vừa viết, với nhiệt tình của anh em, với những phương tiện thường rất hiện đại (Internet), dẫu có đôi khi rất thô sơ (xe ôm), chỉ cần mỗi người tìm ra một bạn cũ thì sau đôi ba năm chúng ta sẽ tìm ra những bạn ấy và những bạn học các lớp trước đó (11B2, 10B2, 9/4, 9/2, …6/4, 6/2; 10B2 do 9/2 và 9/4 nhập lại).
Xin trích ra đây những lá thư đầu tiên của các bạn khi vừa liên lạc được. Có vài bạn chưa có email thì cảm xúc sẽ được kể bởi những bạn khác. Mời các bạn xem và cùng nhau nhớ lại kỷ niệm những lúc đó.
Những tấm hình tuổi học trò
Nhan Quan Bảo:
Chào Hùng,
Đinh Tấn Sơn thuộc về 12B3 như Ngô Anh Hoàng. Sơn quen tôi từ hồi học Đệ Thất, tụi này học Petrus Ký chỉ có 6 năm, vì học lớp 10B2 Petrus và lớp 11 tư thục Tân Thạnh cùng một năm, sau tú tài 1 tôi nhảy vào 12B2 còn Sơn nhào vô 12B3.
Lúc mới vào 12B2 thì thấy ai cũng mới hết, tôi xuống ngồi cuối lớp và gần với Đạt hỏi ra cũng là người đồng cảnh. Đổi lớp và xa những bạn cũ quen biết từ 5 năm vào lớp mới 12B2 thì thật là bở ngỡ, nhưng rồi cũng dần dà quen đi với không khí mới,rồi hay chuyện trò với Đạt và trong tình cờ quen biết thì nhà Đạt cách nhà tôi chỉ khoảng 300m nên hay đi qua lại rồi rủ nhau đi học thêm toán lý hóa thành ra đám tụi nầy: Hiệp 12A1, Lộc 12B3 với Sơn, Đạt và tôi gần như suốt ngày gặp nhau.
Lợi điểm của ngồi cuối lớp là có dịp quan sát và quen với những khuôn mặt mới. Trong lớp 12B2 thì Phước ngồi ngay trước tôi, nhớ Phước hay cười và thỉnh thoảng hay nhắc tôi khi bị thầy cô hỏi bí. Tôi nhớ Hùng rất là nghiêm chỉnh, đứng đắn của một học sinh mẫu mực, Truyển thì hay cười và có vẻ lém lỉnh một cách thông minh. Tín thì cao nhất lớp và trong đám học giỏi. Nhớ đến đám Đình, Khánh, Vân lúc ra giờ chơi lúc nào cũng nói chuyện nhộn nhịp. Nhớ đến Tân vì giống với Võ Thiện Trung là bạn của lớp 10B2 Petrus cùng với Sơn. Nhớ Thành lúc nào cũng “tươi rói” ngay cả những lúc mà anh em đang gay go bên bài thi.
Lê Quý Bình:
Hello các bạn,
Thế là cùng gần 40 năm mới nhận lại được tin tức của Tín. Nhớ ngày nào khi còn học ở Petrus Ký, tụi này cứ phải đua với Tin để được nhiều điểm Toán (Math). Bây gjờ mọi người cũng đã thành cụ hết cả rồi (với quan niệm của Tự Lực văn đoàn ngày trước). Hy vọng nhờ Internet để làm cầu liên lạc với Tin và các bạn cũ ở Saigon. Nếu Tín biết tin Trần Quốc Hùng hay Võ Văn Tiến cho tôi biết tin nhé.
Cám ơn Minh đã gửi những tấm hình cũ ở trường và ở phi trường ngày đưa Truyển ra Tân Sơn Nhất. Tôi vẫn còn nhớ những giờ phút đó cho đến bây giờ. Những cảm xúc đưa tiễn từng người bạn ra đi, Vân, Đình, Truyển, Khánh,… mà sao mình vẫn chưa được giấy tờ…
Lúc đó còn nhỏ thì rất là hăng hái lắm. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên khi tới Paris với valise đầy nước mắm vì mẹ tôi sợ tôi đói. Tới phi trường Orly mà người quen quên mất không ra đón. Trời Paris hôm đó tối và cũng lạnh vì khí thở ra khói. Bữa nào rảnh tôi sẽ kể cho anh em nghe chuyện Dế mèn phiêu lưu ký… Nhìn hình Minh không khác 40 năm trước đâu nhé. Ra đường thế nào cũng nhận ra ngay.
Hồ Thái Bình:
Sơn thân, định trả lời thư nhưng tao bận công việc quá, tối về mệt quá lăn ra ngủ. Theo sự gợi ý của mày, để anh em P.Ký biết chút ít về tao hôm nay tao kể sơ.
Sau khi ra khỏi P.Ký, tao vào hoc Đại học Khoa học, Đại học Minh Đức. Sau 1975 tao thi lại Đại học Nông nghiệp 4, khoá lâm nghiệp, tốt nghiệp năm 1981 nhưng tao làm doanh nghiệp riêng đồ gỗ cho đến hôm nay. Về gia đình tao có 3 đứa: 2 trai, 1 gái. Đứa trai lớn học và tốt nghiệp ở Mỹ, ngành kiểm toán hiện đang làm việc ở Texas. Đứa trai thứ hai đang học năm thứ ba Đại học ở Sài Gòn, còn gái út học lớp 11. Vợ Bình làm ngành lương thực, đã về hưu, hiện cùng tao quản lý xưởng gỗ trang trí nội thất. Nhờ Sơn chuyển dùm các bạn. Rất cám ơn.
Nguyễn Hải Cảng:
Tin tức về Cảng do HT Bình kể:
“Sơn, tao vừa liên lạc được Nguyễn Hải Cảng. Hiện Cảng đang ở California và rất mừng khi tạo nói anh em 12B2 đang tập hợp và liên lạc với nhau. Vậy mày cập nhật hóa danh sách B2 và báo cho anh em biết tình hình. Được biết Cảng học 10B2, 11B2 và đầu năm 12B2 rồi mới nhập ngũ”.
.
.
.
Lê Trung Châu:
Chào anh Hùng,
Rất đúng những gì anh đã viết và làm tôi rất xúc động và xin cảm ơn anh vì tôi cũng tìm bạn cũ.
Tôi học ở Bác Ái tới năm 72 và đổi qua Petrus Ký vô học lớp 12B2. Tôi còn nhớ là trưởng lớp và tổng thư ký là Hồ Thái Bình mà tôi về VN tìm lại thì chưa có tin gì hết. Tôi có cuốn niên giám của Petrus Ký mà trong hình 12B2 thì không có tôi vì lúc đó tôi hay cúp cua để đi chơi.
Rất mong được đoàn tụ lại với các bạn 12B2 và các bạn 12C. Tôi đã gặp lại rất nhiều các bạn 12C.
Tôi sang Pháp năm 75, ở Paris tới 93, ở Toulouse tới 95 và Canada Montréal cho tới nay. Tôi đã làm về Informatique [cho 1 hãng Pháp] và bây giờ tôi đã về hưu.
Tôi sẽ đi về VN Saigon tháng 1 này và sẽ ở 3 tháng. Dịp này về VN rất ý nghĩa vì gặp được bạn cũ thì không gì quý hơn.
Lê Hùng Chương:
Cảm ơn Hùng rất nhiều vì đã cho tới cơ hội liên lạc lại với các bạn cũ 40 năm về trước. Tôi đi New Jersey cả tuần này nên không có dịp để trả lời những thư chào mừng của các bạn cho tới hôm nay.
Tôi đã nói chuyện qua phone nhiều lần với Ngọc và Long mới biết được công trình của Hùng và các bạn trong việc kết nối liên lạc của bạn học 12B2.
Vài hàng để cho các bạn khỏi thắc mắc và mong chờ sau khi đã lâu không thấy tôi trả lời. Sẽ viết nhiều trong những ngày tới.
.
.
Châu Hùng Cường:
Chào các bạn,
Rất vui mừng khi nhận được email của Truyển, Tín, Sơn và Minh về thông tin liên lạc của các bạn thân ở Petrus Ký ngày xưa. Thấm thoát đã gần 40 năm, Cường mới gặp lại Sơn ở Việt Nam hồi tháng 3.2011, nhưng rất tiếc không gặp được Nhẫn, Tín, Bình, Hạnh và Minh.
Tuần rồi, Huy cùng gia đình có đến Quận Cam chơi với Hiền và mình. Nhìn lại ai cũng già cả, nhiều khi mình chẳng nhận ra mình nữa nhất là được xem hình cũ từ website của Truyển và email của Tín. Rất mong được dịp gặp lại các bạn.
Hôm qua, Khánh mới cho thêm điện thoại của một số bạn. Khánh có ý kiến rất hay đề nghị chúng ta nên cập nhật thêm: địa chỉ, email, và phone cho tất cả anh em để dễ liên lạc. Xin các bạn tự điền thêm phần thiếu sót qua email. Cảm ơn.
Hà Trọng Đạt:
Chào Hùng và Bảo,
Tôi chính là Hà Trọng Đạt như bạn đã tìm thấy. Tôi hiện giờ là semi-retraité. Bây giờ thì tôi có mở hãng consultant về gestion des projets. Thỉnh thoảng làm việc lại cho hãng cũ (…), tôi làm cho hãng này được 30 năm.
Đọc emails của các bạn rất là vui. Nhất là khi Hùng về VN gặp lại được những người bạn cũ. Nguyễn năng Tín, Trần công Thành, Hồ thái Bình et le trio Phạm hoàng Vân, Phạm văn Đình và Bùi đức Khánh cũng có thể nhận ra được so với tấm hình chụp 40 năm về trước. Tôi có gặp trio Vân, Đình và Khánh vào khoảng những năm 70. Sau đó thì mất liên lạc với những bạn này.
Năm 2007 tôi và bà xã có đi Pháp chơi, khi về Paris thì liên lạc và gặp lại được Bảo. Kèm theo đây là tấm hình tôi chụp chung với Bảo và 1 tấm hình vừa mới chụp ở San Francisco.
Khi nào có những bạn nào qua chơi ở Montréal, thì có thể liên lạc với tôi…
Để trả lời câu hỏi của Hùng. Tôi học ở trường Lasan Đức Minh (trường nam) trên đường Hiền Vương gần góc đường Hai Bà Trưng. Trường này có một lối đi tắt để đi qua nhà thờ Tân Định và trường Thiên Phước (trường nữ). Tôi học ở đây đến lớp 11 rồi sau đó xin vào Pétrus Ký. Giống như một số bạn vào P. Ký năm 12, lúc đó tôi rất là bỡ ngỡ và cũng phải tìm những bạn cũng hoàn cảnh như mình. Có một vài kỷ niệm rất vui khi đi học thêm những lớp dạy Toán và Lý Hoá với Bảo. Tôi nhớ có một lần đi Vũng Tàu với Hiệp, Sơn và Bảo, nhậu đến nỗi xay mèm. Khi nào có dịp gặp nhau thì mình có thể nói nhiều hơn.
Phạm Văn Đình:
Thưa các bạn,
Tôi có hai đứa con – một trai một gái … Tôi thì bình thường thôi, một ngày như mọi ngày. Vào cái tuổi xế chiều nay tôi thấy không có gi quý bằng con cái, gia đình và bạn bè, nhất là những người bạn thời trung học.
Kèm theo đây là địa chỉ, điện thoại, và email của những người bạn cũ (Petrus Ký 1966 – 1973) đã tìm lại được sau gần 40 năm xa cách. Còn thiếu khá nhiều nhưng có lẽ rồi từ từ, chúng mình sẽ liên lạc được hết.
.
.
Đoàn Hùng Dũng:
Sọrry các bạn vì đã “im hơi lặng tiếng”. Từ lúc nhận được tin của các bạn thật vui và xúc động. Tuy nhiên mình đang quá kẹt vì một dự án đang thực hiện đến hồi cao điểm. Đã vào trang Web veque.com, kỷ niệm ngày xưa quá đẹp đối với bọn mình phải không. Ngoài việc đàm thoại với nhau trong net như hiện nay (rất rất tốt, cảm ơn sáng kiến của Truyển và các bạn), mong lúc nào đó cùng nhau ngồi lại tại một nơi nào đó như Sài Gòn chẳng hạn.
.
.
Huỳnh Kim Hải:
Hiền thương mến,
Lúc trước khi Truyển mới vừa tìm kiếm và liên lạc được với Hải thì Hải rất đổi vui mừng, nhưng cũng vô cùng ngạc nhiên và cứ luôn thắc mắc mãi: ”Quái lạ thật, cái tên tiểu tử này sao lại biết mình đang ở cái xứ sở Na Uy xa xôi, lạnh cóng này, mà mò tìm đến nơi đến chốn như vậy, thật quả là tài giỏi vô cùng”.
(Sorry, Hải chỉ diễu chơi một chút thôi, don’t mention it, Truyển chắc không giận đâu há?)
Mãi đến ngày hôm qua khi ngồi đọc lại thư từ của các bạn, mà Hùng vừa mới gửi qua cho Hải, thì mình mới thấy là trong thư của Hiền viết có nhắc đến việc đã gặp Hải … cách đây 31 năm, lúc đó Hải đang chờ đi Na Uy, chính nhờ vậy mà Truyển đã tìm được Hải và chúng ta lại có được cơ hội để liên lạc với nhau, sau mấy mươi năm xa cách.
Nguyễn Thanh Hiền:
Các bạn lớp B2 thân mến,
Cách đây mấy bữa có nhận được thư của Lê văn Truyển, hôm nay lại nhận được thêm thư của Phan Thanh Minh. Sẵn dịp trả lời chung cho tất cả các bạn ở lớp B2 về tin tức một số bạn mà tôi biết.
Ngày 28-6-11 vừa qua Lâm Văn Huy và gia đình có xuống nhà Nguyễn Thanh Hiền và đã họp mặt cùng Châu Hùng Cường. Có nhậu lai rai và nhắc lại chuyện ngày xưa rất nhiều.
Riêng tôi ngày xưa có gặp lại Nguyễn Tấn Hùng và Phan Tấn Hòa tại tiểu Saigon này, nhưng bây giờ không biết hai tên ấy dọn đi đâu mất tiêu. Khi còn gặp nhau Tấn Hùng có cho biết ngày xưa Tô Hoàng Minh cũng ở Tiểu Saigon nhưng làm ăn thất bại đã dồn về Texas rồi mất tin luôn. Trở về 31 năm trước tôi có gặp Huỳnh Kim Hải và hắn chờ sẽ đi định cư ở Na uy.
Riêng Tết rồi tôi có về thăm gia đình tại VN, có gặp lại Võ Đức Nhẫn, Đoàn Hùng Sơn, Lê Phùng Mình, Nguyễn Năng Tín và đã họp mặt chung với nhau trong một bữa tiệc. Tôi có liên lạc được Phạm Hùng Vĩ (ở Tây ninh) nhưng hắn không xuống được. Cao Thanh Cảng qua tin tức của Nhẫn và Phùng Minh cho biết giờ rất tội nghiệp. Thần kinh của Cảng giờ không bình thường nữa. Nhẫn và Phùng Minh đã từng gặp hắn lang thang trên đường phố Saigon.
Ngày cuối cùng trước khi lên phi cơ có tìm được tin Huỳnh Lực Hùng (hiện ở Hóc Môn).
Vài hàng thông báo cho các bạn rõ. Nếu bạn nào biết được tin tức của những người bạn khác cùng lớp chúng ta, xin phổ biến chung trên trang này.
Phan Tấn Hòa:
Chào các bạn,
Phan Tấn Hòa đây, sau 37 năm nhận được tin các bạn mừng quá. Thứ tư tuần rồi khi đi làm về thấy có message trên phone, tôi nghe Bình nói “tao là Hồ Thái Bình đây Hòa ơi” tôi mừng và ngạc nhiên không biết sao Bình biết số phone mình, tôi nghĩ là Bình đã move qua ở Cali gần nhà đây. Tôi gọi Bình ngay thì mới biết Bình đang ở Houston (tiếc quá cũng chỉ nói qua phone).
Thế là từ nay mình có bạn để nói dóc với nhau, thật là vui phải không các bạn. Chúc các bạn gặp được nhiều may mắn.
.
Cao Quốc Hùng:
Tin tức về bạn Cao Quốc Hùng do Sơn kể:
“Hôm mùng 6 Tết, Sơn đi cùng với Dương Hòa Minh lên Biên Hòa thăm Cao Quốc Hùng, mang theo tờ báo xuân 2012 và danh sách B2 có cập nhật đầy đủ mà Sơn đã in ra cho bạn, vì bạn không có email!
Cả 2 đứa không rành TP Biên Hòa cho lắm nên luôn phải nhờ Hùng chỉ đường sá qua máy điện thoại bàn của nhà Hùng (đặc biệt là Hùng không dùng di động, và có lẽ đây là người bạn duy nhất trong các bạn của Sơn là không có máy di động). Cũng chính vì việc này mà khi Hùng hẹn chờ đón ở công viên BH gần nhà Hùng, Sơn và Minh đến ngay cổng công viên chờ mà không thấy bạn, điện về nhà thì chỉ nghe chuông mà không có người bắt máy thì biết là bạn đã đi đón mình rồi, nhưng chờ lâu mà không thấy!
Cũng may mà Sơn cẩn thận có ghi địa chỉ nên bèn lấy tờ giấy ra nhờ anh xe ôm đứng gần đấy hướng dẫn đến được nhà, và cả 2 cùng đứng trước căn nhà đã khóa cửa chờ Hùng về. Nhờ cậu bé hàng xóm tốt bụng vừa chạy về báo rằng đi ngang công viên có thấy thầy Hùng đứng đợi nên cả 2 không phải chờ đợi lâu nữa!
Hùng cũng thuộc lứa tuổi 1954, nhưng nhờ được vào Sư Phạm lớp buổi chiều nên cùng với Huy, Tấn Phước, Nghĩa, Cường còn học tiếp được 12 B2. Các bạn hãy nhìn lại tấm hình chụp toàn lớp 12 B2 trong kỷ yếu, thì Cao Quốc Hùng đứng ở hàng thứ 3.
Hùng rất vui mừng vì đã liên lạc được với bạn B2 sau gần 40 năm, cầm tờ báo xuân cứ lật xem và luôn miệng khen. Thấy ô trống tên mình, Hùng rất hào hứng để Sơn chụp hình gởi các bạn xem…
Hùng chỉ có 1 con gái, và đã có 2 cháu ngoại trai, tất cả sống chung cùng 1 mái nhà. Hôm ấy cả nhà đi chơi Tết, nhưng do có hẹn với Sơn nên Hùng ở nhà chờ đợi. Hiện Hùng vẫn còn làm nghề giáo, và là Hiệu trưởng trường tiểu học THĐ (Biên Hòa).”
Huỳnh Lực Hùng:
Ban Biên tập VeQue có nhận nhiều emails của Lực Hùng. Xin phép được tóm tắt như sau:
“Lực Hùng học P. Ký từ đệ thất 2 lên đến 11B2. Năm 1972 tình hình của đất nước khiến nhiều bạn 11B2 trong đó có Hùng phải nhập ngũ. Trở về đời sống dân sự, bạn sống ở nông thôn trong nhiều năm. Lên Sài gòn sinh sống đến nay đã gần 20 năm, bạn đang làm cho một công ty may mặc. Bạn có 1 cậu con trai và 3 cô con gái, người con trai đầu đã lập gia đình và có 2 con rồi.
Bạn vẫn hay gặp Phùng Minh, Nhẫn; gần đây thì có liên lac đuợc với Thanh Hiền. Ngoài ra thì chưa gặp được nguời nào khác trong khối lớp B2. Bạn Lực Hùng rất vui mừng vì đã liên lạc lại đuợc các bạn, như bạn viết, vì đó là đời sống tinh thần rất quý của tụi mình khi tuổi đã về chiều…”.
Nguyễn Văn Hùng:
Chào Tân, Thành và Truyển,
Trước ngày 01/07/2011, hình ảnh các bạn vẫn còn trong ký ức của Hùng. Dẫu rằng theo thời gian thì những hình ảnh đó chỉ là những kỷ niệm ngày càng xa xưa. Hùng vẫn nghĩ không bao giờ chúng minh gặp lại. Không bao giờ có tối hôm qua (29/07) để mình tái ngộ sau hơn 30 năm xa cách.
Khi được email của Truyển ngày 01/07, Hùng thật bất ngờ. Cảm xúc lúc đó thật khó diễn tả. Vui mừng, ngạc nhiên là chủ yếu. Nhưng cũng có một số băn khoăn, một số câu hỏi đặt ra. Tình cảm bạn bè sẽ còn gi, sẽ ra sao sau bao năm không liên lạc?
Các bạn đã chủ động gọi điện thoại và viết thư cho Hùng. Những phút nói chuyện, những câu viết đầu tiên hãy còn bỡ ngỡ. Với những trao đổi emails sau đó và nhất là tối hôm qua, những băn khoăn không còn nữa ở Hùng.
Tất cả đã cho mình thấy là dù với thời gian xa cách, tình cảm các bạn dành cho mình vẫn như xưa, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Những câu chuyện hàn huyên, những tiếng cười ròn rã etc, tất cả chỉ dừng lại lúc 12H đêm khi mọi người đều buồn ngủ cả!
Tối hôm qua cũng là dịp để Hùng bồi đắp quan hệ với các bạn. Mình sẽ không bắt đầu từ số không. Người xưa có nói hết chia ly thì có ngày đoàn tụ. Thời cuộc đã đưa đẩy bọn mình mỗi người một phương. Bây giờ là lúc chúng mình đoàn tụ lại, phải không các bạn?
Chắc các bạn ngạc nhiên hỏi tại sao thằng Hùng bữa nay tâm sự nhiều như thế! Nhưng mình chắc các bạn cũng hiểu tại sao rồi!
Một lần nữa, không khách sáo, Hùng cảm ơn tất cả đã tạo mọi cơ hội để mình gặp lại hôm qua. Hẹn gặp lại các bạn nha.
Lâm Văn Huy:
Chào các bạn,
Thật vui quá khi liên lạc được với các bạn, nhất là Trí và Hùng, sau một thời gian khá dài. Rất mừng khi được biết mọi người khoẻ mạnh và hạnh phúc. Đã thấy được hình gia đình Tín, Hùng nhưng chưa có hình của gia đình Sơn và Trí. Mong có dịp gặp mặt nhau đông đủ, chắc chắn là vui lắm. Hãy hưởng một mùa hè vui vẻ.
.
.
.
Bùi Đức Khánh:
Cảm ơn Tín. Hình chụp rất rõ. Phải thú nhận là có lẽ mình già. Cũng như Truyển, tôi phải nhìn mãi mới nhận ra một số bạn cũ. Chắc mình phải kê khai danh sách của từng người với email, địa chỉ, và số phone để dễ liên lạc hơn. Nghĩ sao Truyển?
.
.
.
.
Nguyễn Lễ:
Hôm Mày [Truyển] gọi thì ngay sau đó Khánh có gọi cho tao chừng 2 tiếng, tới khi nó gần … trong quần mới thôi. Sau đó tao coi trong trang web của Mày khá nhiều, thấy ai cũng buồn cười. Hình như chỉ có Đoàn Hùng Sơn là ít thay đổi nhất. Ngoài ra về lich-sử viết cẩn thận chút nghe Em, Vua Lê Lợi chống quân Minh chứ không phải quân Nguyên (Mông Cổ) đời Nhà Trần!
.
.
.
Lê Đình Long:
Chào Nguyễn Văn Hùng.
Chính xác 100 phần dầu không có pha nước lã. Từ lâu mình muốn liên lạc với 12B2 Petrus nhưng không được, sao Hùng có email của Long hay vậy?.
Xem trên trang web, mới nhớ mình là trưởng ban xã hội của lớp (gần 40 năm rồi). Giờ mới hiện về kỷ niệm cũ:
- Cúp cua đi xem mấy cô Gia Long thi thể dục ở sân vận động, phải mời phụ huynh vào xin phép.
- Được bạn Đình chở đi Kiến Hòa bằng xe 67, lần đầu tiên trong đời đi Miền Tây vv.. nhiều quá sẽ kể sau.
Có bạn nào biết tin tức Đinh Bá Lễ, Lê Hùng Chương không? Long có liên lạc với Cao Minh Bửu Ngọc.
Hiện nay Long đang ở Bắc Cali (1 vợ, 1 con trai, 1 con gái, 2 cháu nội & 1 cháu ngọai). Thỉnh thoảng về Sài gòn trong dịp tết âm lịch.
Long nhớ lớp mình 3 miền có đủ cả, Nam Trung Bắc. Hồi đó Ngọc hay chọc Long là lớp có Hỉ, Hả và Hữ. Nhờ Ngọc giải thích cho các bạn nhe.
Nói như bạn Thành: Cường Để [Long học ở đây trước khi vào Petrus] không phải là nhà quê mà là 1 trường trung học có tiếng sánh ngang hàng Quốc học, Petrus, Phan Chu Trinh, Võ Tánh v.v… Đó cũng là trường Nam sinh không có bóng dáng bông hồng cũng giống như Petrus vậy (có lẽ vì thế mà học sinh chỉ biết có học chứ không biết yêu, nhờ vậy ai cũng học giỏi).
Nhưng phải công nhận dân Petrus học cừ thật, nhất là học giỏi đều tất cả các môn, còn tụi trường nhà quê như mình thì không sánh bằng. Long nhớ mãi trong đời không bao giờ quên. Giờ Pháp văn thầy Đức (Hiệu trưởng), gọi Long lên đọc 1 đoạn văn Pháp, đọc xong thầy khen: thằng này nói tiếng Pháp giống MỌI nói quá ta. Thiệt tình muốn độn thổ luôn!
Không hiểu sao chỉ có 1 năm học nhưng kỷ niệm Petrus Ký trong Long nhiều quá là nhiều, từ từ sẽ kể tiếp cho các bạn vui.
Phan Văn Luận:
Hùng ơi! Mình đúng là Phan Văn Luận, học chung với các bạn lớp 12B2 trường P. Ký. Ông bà ta thường hay nói có duyên thì dù ở xa tới đâu thì cũng có ngày gặp lại, mình mừng lắm!
Chắc là Hùng đã lập gia đình ở Pháp luôn phải không, có mấy cháu, đã lập gia đình hết chưa? Hùng đang công tác trong lĩnh vực nào? Hiện nay mình đang công tác tại trường Đại học Ngoại ngữ – Tin học Tp. Hồ Chí Minh.
Kể từ sau khi thi tú tài II xong, lớp tụi mình tỏa ra đi khắp nơi, bị cuốn hút theo cuộc sống thường ngày, hầu như đứt liên lạc luôn. Bây giờ tình cờ tụi mình gặp lại (dù chỉ là trên internet) thì đây là cơ hội bọn mình phải tận dụng hết sức để nối lại tình bạn ngày xưa với nhau. Thú thật với Hùng, con người khi bước vào tuổi hàng 5, cái mà họ cần lúc đó không phải là công danh, địa vị, sự nghiệp, tiền bạc, … mà là tình cảm: cha mẹ, gia đình, bạn bè.
Nghĩ tới điều này mình cảm thấy bùi ngùi, nhưng trong lòng lại nổi lên tình cảm bạn bè mạnh mẽ lắm!
Dương Hòa Minh:
Các Bạn thân mến.
Gần cuối năm, công việc khá bề bộn nhưng được tin của các Bạn, mình thầy lòng ấm lại.
Tháng rồi mình với Thanh Minh, Triển, Tín tiếp Thành tại nhà Thanh Minh. Nghe Thành kể chuyện cuộc sống ở Pháp, mình rất cảm thông với Bạn. Hôm nay, nghe Hải nói về cuộc sống của Bạn và gia đình ở Oslo, mình lại càng thấy nhớ các Bạn. Nhớ cái thuở chúng mình còn vui đùa bên nhau, không phải lo âu, toan tính về cuộc sống. Vây mà giờ đây, người nào tóc cũng pha sương, mỗi đứa một nơi…
Mình hiện làm ở một công ty xây dựng, công việc khá bận rộn nhưng cũng tạm ổn. Bà xã đã nghỉ hưu từ 2008, hàng ngày chỉ lo việc nhà. Cô gái lớn, đã tốt nghiệp đại học, đi dạy chỉ đủ sống mình nó. Cô kế đến tháng 04-2012 mới ra trường (cháu học ĐH FPT). Mệt nhất là anh con út, năm nay học lớp 12 rồi mà ham chơi quá phải nhờ gia sư kèm cặp suốt. Trời Sài Gòn dạo này mưa nhiều (có lẽ những cơn mưa cuối mùa vì mình thấy gió đã đổi hương đông bắc) để rồi SG sẽ khoác áo mới đón Noel, Tết Tây và Tết Ta. Mọi năm, mình nhận được khá nhiều thiệp mời đám cưới của các Bạn cũ gả con (Minh Hạnh, Tấn Phước…). Còn năm nay? Chắc là chờ ngày họp mặt các Bạn…
Vài hàng tâm sự với các Bạn. Thân chúc các Bạn sức khỏe và hạnh phúc. Rất mong tin các Bạn.
Phan Thanh Minh:
Chào các bạn,
Đi công tác về, mở mail thấy các bạn mừng quá. Xa nhau mấy chục năm, giờ biết tin nhau, cảm ơn các bạn rất nhiều.
Về gia đình thì xin khai như thằng Đình, Minh có 01 vợ 02 con. Vợ làm ở BV CR, thằng con lớn đang học cao học ở HQ, con bé vừa lên lớp 12.
Nếu các bạn có ý kiến gặp nhau họp mặt tại VN, thì tôi xin được đăng cai tổ chức. Trong dịp hè, rất mong các bạn về thăm quê hương và họp mặt với chúng tôi. Nếu có vợ con theo thì hỏi thằng Sơn, còn đi 01 mình thì Minh đăng cai???
Cao Minh Bửu Ngọc:
Bạn Hùng thân,
Tôi đúng là Cao Minh Bửu Ngọc cựu học sinh lớp 12B2 P Ký. Tôi vào P Ký chỉ có một năm sau khi đậu Tú Tài 1, trước kia tôi là học sinh Chu văn An, cho nên bạn bè không nhiều khi học tại P Ký.
Nhận được tin bạn tôi rất mừng, sau khi đậu Tú Tài 2, tôi học được một năm tại ĐH Khoa Học thì tôi nhập ngũ. Sau này tôi sang Hoa Kỳ và hiện định cư tại TB Arizona.
Bạn còn giữ quyển Kỷ Yếu, tôi cũng còn giữ được quyển Kỷ Yếu, khi còn học tại P Ký tôi ngồi chung bàn với Lê Hùng Chương (du học HK) tôi có cố tìm nhưng vẫn chưa được tin. Đình Bá Lễ (định cư tại Canada) tôi cũng cố tìm nhưng vẫn không nhận được tin, còn người bạn thứ 3 là Lê Đình Long từ ngày nó sang Mỹ tôi không còn nhận được tin tức của nó nữa.
Hùng ơi, làm thế nào bạn biết được địa chỉ email của tôi thật là bất ngờ. Cho tôi gởi lời thăm tất cả bạn bè cũ của lớp 12B2, tôi sẽ vào Website veque của Lê Văn Truyển để biết thêm tin tức bạn bè cũ.
Nguyễn Hữu Phước:
Chào các bạn,
Tôi là Nguyễn Hữu Phước. Bạn Truyển đã nhớ đúng Jumbo rồi. Tôi khá ít lời vì không có nhiều mối giao tiếp với nhiều người.
Từ khi tốt nghiệp ĐH năm 1978 đến nay, tôi liên tục công tác tại Tổng Công Ty cổ phần Đường Sông Miền Nam. Cuộc sống gia đình bình thường. Mình có một con gái đã tốt nghiệp ĐH đi làm được 2 năm và một con trai vào lớp 10 năm học này.
Vài lời đến các bạn. Chúc các bạn những gì tốt nhất.
.
Nguyễn Tấn Phước:
Chào bạn Thành và các bạn lớp 12B2 PKý,
Mình rất mừng vì các bạn vẫn còn nhớ tới mình. Mình hiện nay vẫn khỏe, sống hòa bình với thuốc. Sau khi tốt nghiệp lớp 12 mình thi vào trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật nên ra trường làm thầy giáo lảng xẹt, nhưng rồi qua thời gian mình lại thấy yêu nghề này. Mình đã làm gia sư từ năm 1972 khi đang theo học lớp 12, sau khi ra trường mình vừa làm công
tác quản lý trong công nghiệp, vừa đi dạy. Đến năm 1996 thì chính thức bỏ công việc quản lý mà chỉ làm nghề dạy học. Như vậy mình đã theo nghề được gần 40 năm rồi, thấy ghê chưa?
Mình có viết nhiều giáo trình về Điện tử, Điện công nghiệp và Tự động hóa dùng cho các trường Cao đẳng và Đại học của các ngành Điện – Điện tử – Tự động hóa. Nếu bạn nào có dịp về nước, vào các siêu thị sách Nguyễn Văn Cừ hay các kios sách của trường đại học Bách khoa sẽ thấy sách của mình biên soạn. Mình muốn sau khi về với đất trời có cái gì để lại cho đời sau.
Mình cứ miệt mài làm việc đến khi nhìn lại thì mình đã già lúc nào không hay. Ở cái tuổi Ngũ thập tri thiên mệnh này mình nghĩ nhiều hơn về những người thân, bạn bè xưa. Bây giờ mới thấy quý tình bè bạn, muốn gặp nhau nhiều hơn thì cuộc sống, hoàn cảnh đã làm cho mỗi người một phương trời. Khi bạn nào có điều khiện về nước mình cố gắng tổ chức họp mặt để được cùng nhau ôn lại kỷ niệm ngày xưa, thưở ngây thơ trong trắng vô số tội của tuổi học trò.
Chúc tất cả các bạn và gia đình nhiều sức khỏe và bằng an. Rất thân mến.
Đoàn Hùng Sơn:
Chào Truyển, Bình, Đình,
Các bạn có nhớ Sơn (Đoàn Hùng Sơn) không? Trong hình chụp trước cổng trường Pétrus Ký, hình số 8: đứng kế Phan Thanh Minh và Châu Hùng Cường, hình số 9 : đứng ngoài bìa, kế Cường. Được Tín chuyển email qua cho Sơn để tìm tin tức bạn bè B2 P.Ký, Sơn ghi ra đây một số bạn (…).
Sau 75, còn gặp Lễ đi dạy ở Nhà Bè, sau đó một thời gian, đến nhà thì hắn đã đi Đức, gặp em gái thì nhận được địa chỉ trên (lúc đó chưa có internet nên chưa có email). Chắc rồi sẽ phải tìm đến nhà lần nữa xem sao!.
Văn Hùng, Huy, Cường, Hiền khi về VN thì đều có gặp Sơn. Gởi cho các bạn xem hình của buổi tiệc nhậu với Hiền (cuối tháng 2/2011).
Riêng Võ Văn Tiến, sau 75 còn học ở Bách Khoa (Kỹ Thuật Phú Thọ) với Trí, Tín, Phước, rồi ra trường về làm ở Kỹ thuật Truyền hình chung với Lê Hữu Trí, và Sơn có vài lần đến chơi với 2 đứa. Sau đó Trí đi Úc, rồi sau đó cũng không gặp Tiến nữa. Sơn sẽ hỏi thăm về Tiến và Trí rồi sẽ bổ sung trong thư sau.
Riêng về Trần Quốc Hùng thì không thấy tin tức gì!
Stop ở đây. Hẹn thư sau. Chúc các bạn khỏe , hạnh phúc, gặp nhiều may mắn.
Huỳnh Thanh Tân:
Mình học lớp thất 4 cùng với Trương Minh Hạnh, Nguyễn Lễ, Đoàn Hùng Sơn,…nhưng khi sang lớp đệ nhị cấp mình học 10B3, 11B3 cùng với Trần Nguyễn Hiệp, … Mình ít nói nên chắc các bạn ít nhớ.
Mình không học tiếp lớp 12 ở P.Ký mà vào Sư phạm ở tận Vĩnh long để tránh quân dịch, theo ý muốn của má mình. Lúc đó mình không có ý vào Sư phạm nên không nộp đơn sớm, đến khi nghe lời má, nộp đơn ở Sư phạm Sài gòn thì hết hạn. Thế là ra ngay xe về thẳng Vĩnh Long nộp đơn ngay chiều hôm đó. Ngày hôm sau Sư phạm Vĩnh Long cũng hết hạn nhận đơn. SPVL (Số Phận Về Làng – vì ra trường chỉ về vùng quê xa xôi dạy chứ đâu có về thành phố) như là bước ngoặc của số phận đời mình. Cho đến giờ mình vẫn theo nghiệp này.
.
Võ Thiện Tân:
Xin chào tất cả các bạn,
Cảm ơn Thành và Truyển là hai bạn đã có công lớn trong việc liên lạc bạn bè 12B2 của chúng ta.
Cũng như Thành, Vân và một số bạn khác, tôi chỉ vào PKý niên khoá 72-73 nên xin lỗi không nhớ hết các bạn như Minh, Hiền, Sơn, Vĩ. Các bạn khác đã kể ra tuy chưa có dịp gặp lại từ 73 nhưng vẫn còn nhớ. Rất vui sắp liên lạc lại được với NV Hùng, đã học chung trường tại Pháp từ năm 73 đến 76, sau đó mất tín đến bây giờ.
Truyển và Sơn có nhắc đến Võ Đức Nhẫn không biết có phải là Nhẫn đã học tiểu học với tôi ở trường Cầu Kho không? Năm 72 lúc tôi vào PKý có được gặp lại Nhẫn chỉ có vài ngày, sau đó Nhẫn phải rời trường.
Mong có một dịp hè được họp mặt với tất cả ở trường cũ như Truyển đề nghị. Cảm ơn bạn Minh đã đề nghị tổ chức ở VN. Nếu mình xúc tiến ngay từ bây giờ, biết đâu có thể gặp lại nhau hết vào hè 2012, các bạn nghĩ sao?
Chúc tất cả luôn vui, khoẻ, nhiều may mắn.
Trần Công Thành:
Chào tất cả các bạn.
Như Truyển nói, sau 40 năm với thời cuộc đổi thay rất nhiều, vẫn thấy các bạn bằng an là điều thật đáng mừng.
Phần tôi có gặp Đỗ Mạnh Hùng ở Paris khoảng 1980 rồi không gặp nữa. Bùi Quang Vinh có học chung ở Toulouse rồi không gặp nữa từ năm 1978, nghe nhiều người nói có lẽ Vinh đã về lại Việt Nam. Lúc trước có nói chuyện với Nhan Quan Bảo qua điện thoại, Bảo nói có tin Hà Trọng Đạt. Tôi thì muốn có tin thêm của những bạn xóm nhà lá của 12B2 như Lâm Văn Tỷ, Đoàn Hùng Dũng, Lê Tuấn Kiệt. Nếu bạn nào có tin cho biết nha.
.
Võ Văn Tiến:
Thân gởi Sơn, khoẻ không? Đã quá lâu không gặp nhau. Cuộc sống của Sơn bây giờ thế nào?
Sau khi tốt nghiệp Tú Tài ở trường Petrus Ký năm 1973, mình học ở ĐH Kỹ Thuật Phú Thọ, ra trường năm 1978. Mình đã lập gia đình từ năm 1980, có 2 con trai. Đứa lớn, đã tốt nghiệp ĐH ở Mỹ, đứa nhỏ vẫn còn học ĐH. Mình đang làm việc ở thủ đô Washington DC.
Các bạn khác ở lớp B2 hiện nay ra sao? Mong tin Sơn.
.
.
Nguyễn Năng Tín:
Rất vui nhận được thông tin từ các bạn.
Trước đây chỉ gặp Nguyễn Văn Hùng cũng ở Pháp về Việt Nam thăm ba má còn ở VN. Lớp 12B2 cũ ở VN lúc này chỉ còn rất ít, hầu hết các bạn đã đi nước ngoài, trước hoặc sau năm 1975. Hiện mình vẫn còn giữ quyển Kỷ Yếu của trường Petrus Ký năm học 1972 – 1973 nên khi cần có thể xem lại để nhận diện các bạn cũ.
Gởi các bạn vài tấm hình cũ lớp 12B2 có danh sách cả lớp. Bạn nào biết thông tin các bạn cũ có thể thông báo cho anh em.
Hy vọng có dịp gặp lại các bạn.
Lê Hữu Trí:
Hi các bạn 12B2,
Rất vui vì bắt được lịên-lạc lại với các bạn sau nhiều năm xa cách.
Truyển lập web site rất hay và tiện-lợi cho ban-bè. Hình ảnh rõ-ràng và các lời bình hay và vui nhộn. Đúng là dân nhà báo từ thời trung-học lận mà.
Có lẽ cả lớp 12B2 chỉ có mình Trí ở xứ kangaroo này thôi phải không? Xứ Úc này đi holidays vào dịp Xmas New Year lạ nhất đó nghe vì trong lúc mọi nơi khác ở Bắc bán cầu đều lạnh giá thì Australia là mùa hè, mặt trời 5 am đã mọc và 9 pm mới lặn, tha hồ mà đi chơi. Các bạn có định đi du-lich Úc châu này không?
Trí hiện giờ có 2 cháu, cháu trai học lớp 10 và cháu gái học lớp 8. Lập gia đình trễ nên cha già con mọn là chuyện tất nhiên. Vốn liếng Toán mình học của thầy Phan Lưu Biên ở Petrus Ký và Đặng Vũ Hải ở Hưng Đạo vẫn còn ích-lợi khi lúc này đem ra kèm Maths cho con! Ngay cả tiếng Pháp học ở Centre culturel Français vẫn còn dạy cho con được đó!
Thật xúc-động khi nhìn lại được những tấm hình ở Petrus Ký và đọc lại những dòng lưu-bút của 12B2. Thú thật mình nhìn lại những hình cũ thì còn nhớ ai là ai chứ những hình mới thì chỉ biết một số thôi chừ quên nhiều rồi. Tin, Sơn thì không thấy già. Huy hơi già đi nhưng vẫn còn phong-độ lắm. Hùng thì không thấy hình mới?
Hẹn gặp lại ở thơ sau.
Lê Văn Truyển:
Chào tất cả các Bạn,
Thật là vui khi tìm lại tất cả các bạn, mọi sự là nhờ Thành, rồi Tín, bây giờ là Sơn. Rất vui khi nhận được tin các bạn còn bình an và đầy sức khỏe. Đó mới là điều đáng vui nhất, mọi sự còn lại là điều lẻ tẻ … đồng ý không?
Tôi không chỉ nhớ Sơn mà thôi, còn nhớ cả Nhẫn (người nói năng nhỏ nhẹ), hay Hiền (to con), Huy, Minh, NH Phước. Người tôi nhớ nữa là Cường (đứng chung hình đằng sau là các cô trong Thảo Cầm Viên). Tất cả có trong hình trên website veque.
Trong thư trước của Tín, có nói đến HT Bình (trưởng lớp 12B2) và TM Hạnh (trưởng lớp 10B2 và 11B2). Bồ có email của Bình và Hạnh hay không?
Bao nhiêu năm không gặp, tự dưng rào một cái, tôi đã tìm ra nửa lớp, thật là vui.
Các bạn có cho phép tôi để hình các bạn trên website hay không? Cho các bạn khác còn xem nữa.
Lễ là bạn rất thân mà tôi đã mất liên lạc từ lâu, tôi sẽ viết thư cho Lễ ngay hôm nay. Nếu không nhận được thư trả lời, chắc tôi sẽ nhờ Sơn ghé qua nhà em gái Lễ vậy. Còn Phạm Hùng Vĩ, nhà văn lớp 12B2, có bạn nào có email của Vĩ hay không.
Nhớ giữ liên lạc với nhau nhé. Tôi ước gì môt ngày được họp mặt nhau ở trường cũ, các bạn nghĩ sao?
Lê Minh Triển:
Chào các bạn,
Mới nhận được thông tin của Mình Mập báo cho biết Truyển đang ở Pháp. Lâu quá gần 40 năm, kể từ khi mày, Bình Khánh đi du học. Đường Lê Lai vào nhà Truyển bây giờ khang trang lắm.
Sao rồi con cái ra sao rồi? Tình hình công việc làm ăn được không? Tạo làm cho Nhà nước VN trên 30 năm, bây giờ mới nghỉ hưu non ra ngoài quay tiếp. Mình mập nói tạo già rồi còn gân không nghĩ ngợi cho khoẻ.
Minh bây giờ bảnh làm. Tụi bay cứ về là nó lo hết đừng sợ gi cả. Nói đùa cho vui. Ý tưởng tìm lại bạn bè cũ cũng hay. Nhóm B4 của tạo lúc chuyển vào năm cuối tụi nó cũng họp nhóm hoài mà tạo chỉ học có 1 năm nên không thân lắm. Còn tụi mình học chung với nhau cả 5 năm (vì năm cuối tao chuyển sang 12B4).
Vài dòng thăm tất cả bạn bè.
Phạm Hùng Vĩ:
Chào Truyển cùng tất cả các bạn bè Petrus Ký,
Rất vui và bồi hồi khi được xem lại hình ảnh ngày xưa còn đi học.
Chúc tất cả các bạn và gia đình nhiều sức khoẻ.
.
.
.
.
.
Bùi Quang Vinh:
Đây là thư của Tân, một nhân vật không kém Sherlock Holmes, người đã tìm ra bạn Bùi Quang Vinh.
“Các bạn thân mến,
Để tiếp theo mail của Hùng và Vân, sau đây xin có vài lời để các bạn biết rõ hơn về cuộc gặp gở không hẹn trước với Vinh ở VN, đầu tháng 5 vừa qua.
Mình có việc gia đình, nên đã có một “chuyến về VN 2 tuần” ở miền Trung (Đà Nẵng) vào đầu tháng. Cũng tại vậy mà đã không được gặp lại Vân lúc bạn ghé đến Paris.
Hôm vào lại Sàigòn để về Pháp thì được mail của Thành báo tin Vinh đã về lại VN và chỉ có địa chỉ của Vinh trước 75, trong báo Xuân 73 của tụi mình. Thành có nói trước là “mission impossible” ! Nhưng Thành nhà minh hay lắm, “hắn” cũng biết là người Pháp có câu “l’impossible n’est pas français”!
Thế là trưa hôm đó, đi đến đường Hưng Phú, nhà cũ của Vinh và được biết đã đổi chủ 2 lần từ năm 75. Đi hỏi thêm vài nhà cũng toàn là người mới từ sau 75. Thì giờ eo hẹp, đã lên xe định đi về nhưng không hiểu tại sao lại trở vào một cửa hàng tạp hoá để hỏi. Nói chuyện mới biết có một người ở xóm đó trước 75, nhưng lúc đó vắng nhà. Xin đươc số điện thoại của bà này để gọi lại, và được biết bà chưa bao giờ quen biết Vinh, đã đi du học từ lâu, nhưng có biết Toàn, em trai út của Vinh. Rồi bà cũng đã tìm ra và cho số điện thoại của Toàn.
Toàn cho biết Vinh về VN từ năm 2000, sống ẩn dật, không internet, không điện thoại cầm tay, và cũng rất ít giao dịch với ai !!! Gọi đến nhà Vinh, không có ai nên đã để số và Vinh gọi lại ngay tôi hôm đó.
Tôi hôm đó nói chuyện qua điện thoại với Vinh, hai đứa rất vui nhưng ngày hôm sau phải đi Long Thành suốt ngày trước khi về Pháp nên hen Vinh lần sau sẽ gặp mặt đông đủ hơn, có nhiều thì giờ hơn. Rốt cuộc, tình đồng môn ngày trước quá mạnh, nên tụi này đã hẹn nhau chiều hôm sau ở khách sạn sau khi đi Long Thành về.
Hai đứa đã uống với nhau 1 chai bia và hàn huyên khoảng hơn 1 giờ. Được biết Vinh đã tìm ra “chân lý” và “hướng đi của mình” từ lúc về lại VN. Tóm lại, bạn đang rất “hạnh phúc”!
Mình tôn trọng ý muốn của Vinh, lúc đó có hứa sẽ mở compte email và liên lac với 12B2 sau. Chờ hoài không thấy, đã đến ngày về VN của Hùng, goi lại hôm qua, thì Vinh xin lỗi không còn muốn trở lại với “cuộc đời máy móc” , “hiện đại” nữa. Nhưng nếu có dịp gặp lại bạn cũ 12B2, sẽ sẵn sàng “xuống núi” ”.
Những tấm hình hôm nay
Cảm nghĩ đầu xuân của các bạn
Cao Minh Bửu Ngọc:
Cái buồn man mác của những ngày tàn Đông, giờ nầy có lẻ các bạn cũng giống như mình, chuẩn bị đón Xuân.
Mùa Xuân ấm áp lúc nào cũng tạo cho tâm tình chúng ta niềm vui sảng khoái mặc dù chúng ta đang chuẩn bị bước sang lứa tuổi “Lục Tuần”.
Nhưng ngày nay các bạn cũng đồng ý với mình, tuổi 60 chưa hẳn là già, vẫn còn yêu đời và hăng say. Hăng say, thì lại nhớ về những kỷ niệm xưa khi còn học chung trường, chung lớp………….
Rồi đến khoảng thời gian thật dài xa cách, mổi người mổi nơi, cuộc đời của thế hệ chúng ta gắn liền với biến chuyển của Lịch Sử đất nước.
Đến giờ liên lạc, được gặp lại nhau sau gần 40 năm,tình cảm nầy thật đáng “trân quý”, không có gì so sánh được, đó là cả một kho tàng quý giá sẽ theo chúng ta suốt cuộc đời còn lại phải không các bạn?
Bạn bè chúng ta ở khắp mọi nơi tuy “Xa” mà “Gần”.
Thân chúc các bạn và Gia Đình, An Khang, Hạnh Phúc và tận hưởng một mùa Xuân ấm áp vui tuơi, trọn năm Phước Lộc tràn đầy.
Phạm Hoàng-Vân:
Thế là mày sướng nhé cu Truyển! Được ăn Tết ở VN.
Chả biết viết gì hết. Vì viết gì cho ra hồn cho báo Xuân 2013 đây trời? Thôi ráng rặn một câu như vầy nha, chỉ vì thằng Truyển bắt phải “cho có mặt với bạn bè”:
“Năm hết Tết đến, thân chúc các sâu bọ Pky72/73 xa gần, từ VN ra đến khắp nơi trên quả địa cầu, một năm mới dồi dào sức khỏe và tràn đầy hạnh phúc”, ký tên: Phạm Hoàng-Vân.
Rồi đó. Ngoại trừ khoản “sâu bọ”, nghe không khác gì Quốc Văn giáo khoa thư lớp năm. Nhưng tụi bay BBT đừng coi thường mà không đăng nhe. 30 năm sau – nếu chưa ngủm – đọc lại sẽ thấy thấm lắm à!
Thôi tao đi ngủ đây. Già rồi 10 giờ như gà lên chuồng.
Võ Thiện Tân:
Mùa Xuân đang về, Tết Quý Tỵ sắp đến, một năm cũ lại sắp đi qua với bao nhiêu kỷ niệm buồn vui.
Những ngày cuối năm âm lịch thường đem đến trong tôi một cảm giác thật đặc biệt, một niềm vui thật nhẹ nhàng, hưng phấn. Đó cũng là giây phút thiêng liêng, rất riêng tư để nhìn lại thời gian một năm vừa qua, những gì đã đến, những gì mình đã làm, những buồn vui mình đã nhận hay đem đến cho cuộc đời. Và không tránh khỏi một đôi khi, ngậm ngùi nghĩ đến cuộc đời còn lại đang đến gần hơn, với bạn bè, những người thân và với chính mình.
Để rồi chợt thấy, từ hai năm nay, Xuân đến thường hơn với cộng đồng Về Quê mỗi ngày một đông đủ hơn, với những cuộc hội ngộ gần xa ở khắp mọi nơi (Mỹ, Việt Nam, Pháp), đến hàng ngày với chúng ta qua những trao đổi email, và đến quá mau cho ban biên tập với những nỗ lực cần thiết trong công việc sáng tác và chuẩn bị cho báo Xuân.
Ước mong tất cả chúng ta sẽ tiếp tục góp phần duy trì tinh thần Về Quê và báo Xuân 12B2.
Bùi Đức Khánh:
Mới đây mà đã 40 năm rồi. Các sâu bọ ngày xưa giờ đã phá kén thành bướm, có bướm đã dừng bước giang hồ, có bướm còn đang lăng quăng tìm động hoa vàng, hoa đỏ … Thôi thì ngày Tết sắp đến cũng chỉ xin chúc cho các “cựu sâu bọ” một năm tràn đầy hạnh phúc, dồi dào sức khỏe, và nếu còn sức thì … cứ tiếp tục … đẻ.
Đề nghị cho BBT đi làm thêm nghề tay trái là nghề đòi nợ (collection agency), dục còn hơn là dục tà. Sợ BBT còn hơn là IRS. Vì sợ rông cả năm nên đành ráng rặn vài câu cho được an thân. Các sâu bọ khác còn chờ gì nữa nếu không muốn bị rông cả năm?
Lê Quý Bình:
Bốn mươi năm trước, cũng khoảng vào thời điểm này, một nhóm bạn hữu quây quần tại nhà của Đình. Người đánh máy, người hí họa trên những tờ giấy roneo mỏng để kịp giờ in tạp chí Xuân. Bây giờ, với kỹ thuật của điện toán và của Internet, một nhóm bạn cựu Petrus Ky 73 cùng nhau chia sẻ những cảm nghỉ, những chuyện vui buồn, hay những bài thơ. Cám ơn ve que.com đã nối lại vòng tay của những bạn bè ngày xưa. Cám ơn BBT đã điều động các bạn cũ để cùng chia xẻ qua diễn đàn của tờ báo xuân.
Hình ảnh của những ngày xưa, những cậu học trò hồn nhiên trong những bộ quần xanh áo trắng, những tà áo dài trắng rực rỡ trong những ngày hè, những buổi chiều la cà ở quán chè, nụ hôn đầu, và ngày ra phi trường rời khỏi tổ ấm gia đình lúc nào cũng vẫn còn khắc ghi trong lòng tôi… Có lần tôi đã định ghi lại những vui buồn của những ngày tháng cũ để chia xẻ với bạn bè, với những người thân, nhưng chưa hoàn tất được vì những bận rộn của cuộc sống.
Năm mới, tôi xin mến chúc tất cả các bạn và những người thân được nhiều may mắn, hạnh phúc và nhất là nhiều sức khỏe. Cám ơn tất cả các bạn đã chung góp và chia xẻ những bài thơ, những tin lạ hay hình ảnh (kể cả hình ảnh cấm trẻ em và phu thê) và những sưu tầm để làm cho diễn đàn của chúng ta được thêm phong phú.