Âm nhac

Âm nhạc, một sự ngộ nhận !

Tuổi thơ tôi trôi từ xóm lao động này qua xóm lao động khác. Hàng xóm đều nghèo, nhà nọ sát nhà kia. Ai làm gì nói gì, nghe rõ mồn một. Người ta không gọi nhau bằng tên thật mà chỉ dùng thứ tự để gọi nhau. Ông Ba, bà Tư. Hoặc gọi nhau bằng nghề nghiêp. Bà bán cá, bà bán sương sa hạt lưu. Mẹ tôi là bà bán thịt, mặc dầu bà bán tận trong chợ Lớn Mới, chẳng ai trông thấy sạp hàng của bà. Người hàng xóm gọi tôi là “con bà bán thịch”.

Trong ngõ hẻm chằng chịt như thế, một nhà để nhạc, cả xóm cùng nghe. Nhà tôi lúc đó chưa có ra-đi-ô nhưng trong xóm nhiều nhà đã có. Cứ như thế, tôi đã làm quen với âm nhạc ngay từ lúc bé.

Không chọn lựa, tất cả thể loại âm nhạc đưa vào tai tôi dù muốn dù không. Từ cải lương đến chèo cổ, từ tân cổ giao duyên đến nhạc lính, nhạc tình, tất cả các âm thanh ấy như những triều âm ru tuổi thơ tôi những ngày mưa rả rích, những tối hạ oi nồng. Tất cả bám vào hồn như những lớp nham thạch theo thời gian, lớp nọ chồng lên lớp kia, nằm im ắng. Nào Bạch Thu Hà với tiếng hát Minh Cảnh, Người Phu Khiêng Kiệu Cưới với Út Trà Ôn, Đêm Buồn Tỉnh Lẻ với Chế Linh, Hờn Anh Giận Em với Hùng Cường Mai Lệ Huyền, … nghĩa là một kho tàng văn hóa xóm lao động chất đầy trong trí óc non nớt của mình.

Lúc bé theo bà lên chùa được xem hát chèo. Khán giả là các bà bắc kỳ xa quê, đã thuộc nằm lòng các vở như Quan Âm Thị Kính, Mục Kiền Liên nhưng vẫn hào hứng trước các màn ân oán. Sân khấu không phông không đèn, nó chỉ là một góc sân bé tí trên đó phải diễn ra nhiều màn nhiều cảnh. Phải tưởng tượng ra nhé lúc Mục Kiền Liên từ xa đi về thăm mẹ, hay cảnh Thị Mầu đang vu khống Quan Âm. Chỉ còn kỷ niệm với bà nhiều hơn là tuồng tích trong tôi.

Lớn lên một chút, tôi đi tìm nguồn âm nhạc của riêng mình.

Tôi làm quen với nhạc Trịnh Công Sơn những ngày mới lớn. Nghĩa là lúc bắt đầu thấy « cô đơn tận cùng, mang một mối sầu không chia sẻ được ». Nhạc TCS ít được phát trên làn sóng các đài phát thanh Sàigon hay Quân Đôi. Tôi không có tiền để đi quán càphệ cũng như chưa đủ lớn để vào Văn Khoa nghe các anh chị sinh viên cho nghe ké. TCS đến với tôi qua đám bạn và nhờ cassettes. Tôi không nhớ Mưa Hồng hay Diễm Xựa là bài hát đầu tiên tôi biết về nhạc của ông. Tiếng nhạc như lời thì thầm của chính mình. Lời nhạc đưa hồn lên cao rồi mỏng mảnh trôi đi, tan vào hư vô. Hát nhạc TCS là vẽ tranh lập thể trong hồn. Tâm tình như những mảnh màu sắc hoà lẫn vào nhau, không hình thù rõ rệt, nhưng đẹp, đẹp lắm. Tôi không biết bây giờ những người trẻ mới lớn nghe nhạc TCS nghĩ gì, nhưng thuở ấy, đó là những lời than thở của người tình mới lớn, lời ân cần tha thiết của tình yêu, có thể là đẹp hơn cả người yêu thật. Đó là nơi người ta rút vào để tránh đi thực tế, để an ủi mảnh hồn trước bạo lực bên ngoài. Tiếng nhạc có sức mạnh của thiên thần, có sự ân cần của nàng tiên có cánh giúp ta bay, bay trên những « khói trời mênh mông »… Một vài bài dính liền với thời trung học. Một chiều đi học từ Văn Hóa Pháp qua phố Lê Lợi, bỗng nghe tiếng hát Khánh Ly vang lên với bài Ru Ta Ngậm Ngùi. Giữa phố đông người mà tim như đứng lại. Hay bài Hãy Yêu Nhau Đi khám phá nhờ nghe đài phát thanh tình cờ nghe được, ngày hôm sau say sưa hát, nước mắt trào ra lúc nào không biết !!!

Nhạc ngoại đến nhờ đi học Văn Hóa Pháp, nhưng trình độ Anh Pháp ngữ cũng chỉ giúp tôi hiểu lõm bõm vài câu để thẩm âm đúng nghĩa giá trị những bài nhạc bình dân nghe ra rã trong các quán nước choai choại. Nhớ đêm sinh nhật mười sáu tuổi, từ căn gác tôn nghe bài The House of The Rising Sun rơi xuống từ tòa building Mỹ ở Ngã Sáu Sàigòn đến bây giờ vẫn còn day dứt. Hay bài Don’t Let Me Down của khu sinh hoạt trong trường, đó là những kỷ niệm khó phai. Có thể còn nhiều nữa nhưng chỉ là phong trào, không thể không biết. Nhạc Việt vẫn là « nguồn sống ».

Nhưng trong giới bạn bè nói chuyện với nhau, thì không có ai dại gì mà đi cổ động cho văn hóa bình dân. Nếu chẳng may bị gán cho tội thích nhạc « xến » hoặc cải lương thì chỉ có nước  đi … ăn mày ! Chẳng những bạn trai chê mà bạn gái cũng từ ngay. Ngay cả lúc một mình cũng nên cẩn thận, phải chối bỏ như người chối Chúa những bài hát nhiều khi đã in đậm trong đầu, để lỡ mồm lỡ miệng hát ra là toi đời !

Quả là một sự ngộ nhận trí thức !!!

Nhiều năm trôi qua, tôi ngộ ra rằng những gì tôi chê thuở ấy bây giờ trồi lên mảnh liêt. Như những lớp nham thạch tưởng đã nằm im ắng từ bấy lâu nay bây giờ trở mình thức giấc. Tiếng Út Trà Ôn nức nở trong vai Người Phu Khiêng Kiệu Cưới tuyệt vọng trong mối tình câm nín trong xóm vắng lúc nửa đêm. Giọng hát Chế Linh chen lẫn tiếng bà trong bếp một trưa hè đổ lửa. Tiếng hát Thanh Tuyền vẫn làm nổi gai trong hồn với bài Phố Vắng Em Rồi … Tất cả vẫn còn như đang âm vọng mãi, lâu lâu lại bật ra vào những buổi sáng thức dậy nằm lỳ trên giường thì thầm với chính mình.

Một ngày nọ, cách đây khá lâu, vừa ra khỏi phi trường Pointe Noire xứ Công Gô, tôi bỗng nghe như có tiếng nhạc cải lương. Lúc đầu tôi nghĩ chắc tai mình còn ù, nghe gà hóa cuốc. Nhưng không, rõ ràng là Võ Đông Sơ đang gọi Bạch Thu Hà như trong xóm vắng ngày xưa. Tôi lần mò và bắt gặp một người đồng hương đang ngồi dưới một gốc cây chia sẻ bài hát với những người bạn cả Pháp lẫn Phi Châu. Nhạc Opéra Việt Nam đấy, hay hơn Opéra cả Tầu lẫn Tây. Anh ta hùng hồn cắt nghĩa bài hát cho mọi người nghe, cái cảnh ấy trông có chút gì vừa buồn cười, vừa siêu thực. Người bạn vừa từ thành phố Hồ Chí Minh sang, đi công tác kỹ nghệ, làm thêm một màn quảng cáo văn hóa cho người bản xứ …nó sợ.

Tôi đã từng ngồi chịu trận Opéra Tây. Người hát điêu luyện, dàn hạc hòa tấu hoành tráng, nhưng không hiểu gì cả. Phải đọc chương trình. Phải ngồi nghiêm chỉnh đỉnh đạc để thẩm nghiệm một nền âm nhạc bác học mà chỉ rất ít người Tây phương hiểu và thưởng thức. Ở đây, thưởng thức ít hơn là học hỏi đến nỗi tôi phải tự hỏi, hình như mình lại thêm một lần nữa tái bệnh « ngộ nhận trí thức » !

Theo tôi, kiến thức âm nhạc là kết quả của một hành trình sống và cảm nhân. Thừa kế từ môi trường sống trao cho và học hỏi những điều mới lạ để cảm nhận hơn lên.

Tôi không kèo néo ai phải thích nhạc cải lương hay chèo cổ. Tôi chỉ muốn bắt mình phải thực với chính mình, như nhà thơ Trần Dần trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã nói :

« Yêu ai phải nói là yêu,

Ghét ai phải nói là ghét »

Có thế mình mới khá đươc.