Thân chào các bạn,
Bài sau đây của bạn Đoàn Hùng Sơn viết về bạn Đàm Hiếu Du. Tôi còn nhớ đầu năm lớp 12, trong giờ toán, Du đã nói về các hàm số chx, shx, nghe …rợn cả người. Nhưng nhờ bạn mà tôi bị thúc đẩy để đi tới, đó cũng là một diều may mắn cho mình. Trong lớp mình có những tay toán cừ khôi như Du, Phước Jumbo, Tín, Trí, Hùng, Bình, Đình, Vân, …. Ôi anh hùng nhiều như thời Tam Quốc, nói như Chu Du, “trời đã sinh ra ta còn sinh ra DU & Co làm chi nữa !!!!”
Xin tưởng nhớ đến Bạn.
Du học chung với tôi từ Đệ Thất 4.
Nhà Du gần trường (qua bùng binh, đi đến đường Lý Thái Tổ, quẹo đường nhựa nhỏ nằm ngang đầu tiên, rồi vào vài hẻm nhỏ ), nên Du đi bộ đến trường. Hồi đó tôi sức học cũng trung bình, Pháp văn kém, nên Du giới thiệu tôi trường tư Trung Hiếu, dạy PV ở khu phố nhà hắn, dạy khá mà học phí nhẹ. Trường tuy trong hẻm mà cũng có nhiều học trò ! Nhờ vậy mà mình mới được tiến bộ về PV.
Du thì không học thêm đâu cả mà vẫn giỏi ! Mà giỏi nhất là Toán. Hắn thường rủ mình đi rảo các quầy sách cũ ở khu NTThuật, Bàn Cờ để kiếm cuốn Annales Corrigés [về Toán] (thường rất khó tìm). Vậy mà hắn vẫn thường vào lớp khoe mình những bài mà hắn sưu tầm được, và giải thành công, nhìn vào là lè lưỡi, không hiểu gì ráo (vì tiếng Pháp không à!).
Những lúc như vậy thấy nó rất sung sướng, rất hạnh phúc!.Đôi khi nó còn chê cách giải của thầy.
Giá như mình thích toán và giỏi toán thì chắc Du có thể thân thiết với mình lắm đấy !
Ngay từ đệ Thất , Du đã nổi bật trong lớp : nổi nhờ cái tên, nhờ học giỏi, mà cái tạo ấn tượng nhất, không chỉ là rất trắng trẻo,dáng cao, gầy, ( cứ tưởng tượng gió mạnh thổi là bay đi), mà chính là cách ăn mặc xuềnh xoàng, không để ý gì bề ngoài : nổi bật nhất là quần dài xanh cũn cởn ,cao trên mắt cá, ( vài đứa trong lớp chọc hắn là ” quần chó táp cả ngày chưa tới”), áo thì rộng thùng thình ( nhiều lúc không ủi), có khi đi dép lê và bị giám thị nhắc nhở.
Sau này lên các lớp trên thấy có khá hơn.
Khi gặp những giờ trống thầy cô nghỉ, các bạn thường tụ tập theo từng nhóm la cà, chơi đùa, thì lúc đó không thấy Du ở đâu cả ( có thể là hắn vào thư viện hay tạt về nhà ?), do đó Du ít bạn bè ( chắc cũng do tính hắn ít nói , không cởi mở ).
Vài hàng ký ức còn đọng lại trong đầu về bạn Đàm Hiếu Du, người bạn mà hồi xưa mình hay ganh tỵ vì nó thường đứng nhất lớp, nhất là về Toán và Pháp văn, và lại khó thân thiết vì tính tình trầm lặng, kín đáo quá.!
Xin thắp nén nhang lòng tưởng nhớ đến bạn.
Đoàn Hùng Sơn