26. August 2011 · Comments Off · Categories: Uncategorized

Ở những giây phút vui mừng vì cuộc trùng phùng dù ảo, bên cạnh đó, chúng ta lại có những nỗi buồn vì những người đã ra đi.

Mỗi người một cách bầy tỏ. Không bắt buộc phải nói hay phải viết ra. Im lặng cũng là cách bày tỏ chân thành, bởi ngôn ngữ nhiều khi chỉ diễn tả được bề mặt mà không đạt được chiều sâu. Và đó  là thái độ chung của nhiều người. Xin tôn trọng.

Nhưng ở tôi, có một bức xúc nào đó bắt mình phải nói. Diễn đàn này không thể im lặng. Cái khó là nói làm sao để « đụng »  được chiều sâu. Xin thưa trước là tôi không có đủ tài để làm chuyện đó, nhưng cũng cố gắng nói lên tâm tư của riêng mình.

Trong đầu óc tôi còn hình dung ra được những khuôn mặt thân quen của các bạn học với mình, không chỉ lớp 12B2 (hỗn danh quen thuộc « tập hợp sâu bọ » 12B2) mà tất cả các lớp trước đó. Lớp 12B2 chúng ta có tờ báo do Đình chủ trương, đầy đủ tên họ, không cần nhắc lại. Với các lớp trước, xin được nhắc vài tên (dù không đầy đủ) như Võ Thanh Tú, Cao Thanh Cảng, Tô Thành Minh, Lê Minh Triển, Lê Trường Hải, Đặng Cường Dân, Trần Thế Hiển, Huỳnh Kim Hải, Lê Minh Tiến,Võ Minh Châu, … Tôi không chắc là các bạn còn nhớ, riêng tôi, đó là kết quả của cuộc lục lọi đầu óc nhiều ngày để thử xem mình có bị Alzheimer hay không J

Nhiều năm học chung như thế nhưng chúng ta biết gì về các bạn ấy ?

Ngoại trừ các bạn thân của những bạn kể trên, gần như chúng ta chẳng biết gì nhiều. Nói rộng ra, nhiều khi chúng ta cũng chẳng « biết » nhiều về nhau. Chúng ta nhớ các bạn học giỏi, nhớ các bạn phá phách, các bạn có một tật bẩm sinh nào đó hoặc một bạn « nhà giàu ». Nhưng chúng ta không « biết » họ.

Có bạn đã viết trong Lưu Bút 12B2 : “về toàn thể lo91p mình khá quá, nhưng về cá nhân hơi có phần riêng biệt”

Đúng, chúng ta quả « hơi » có như vậy.

Tôi không dám làm nhà xã hội học để phân tích tâm trạng chúng ta lúc đó, nhưng riêng tôi, xin tự phê bình, Ở vào tuổi đó với tất cả đòi hỏi cấp bách của xã hội chiến tranh. Chúng ta có hai thái độ. Hoặc dấn thân. Hoặc đèn sách. Mỗi thái độ đều có nghĩa của nó và đáng tôn trọng.

Thành thử chúng ta ít để ý chung quang ta, mà chỉ lắng tai nghe bên ngoài. Chúng ta quan sát đâu đâu nhưng không nhìn đến những gì gần gũi, thân cận với mình. Tệ hơn, chúng ta không có thì giờ để tìm hiểu nhau. Nhiều khi cùng một biến cố mà tâm trạng khác nhau. Cùng một vấn đề mà cảm nhận khác nhau. Và không chia sẻ. Nói chung, «cái tôi » ít tìm hiểu « tha nhân », dù « tha nhân » là người bạn chung lớp với mình từ nhiều năm.

Ở thời điểm đó, chúng ta già trước tuổi vì lo cơm áo, và quá trẻ để nghĩ phóng về tương lai. « Cái Tôi ích kỷ » lấn lướt « Cái Tôi Vị Tha ». Thời cuộc và hoàn cảnh bắt buộc ta như thế.

Bây giờ mọi sự đã khác. Mỗi người một nơi – bốn phương trời. Biết tin nhau còn khỏe mạnh là niềm an ủi chính. Chúng ta chưa già nhưng không còn trẻ cho mọi vấn đề. Hãy để ít thì giờ chia sẻ với nhau. Để « biết » nhau hơn. Để chẳng làm gì cả. Và niềm hạnh phúc hồi tưởng về những cảm giác đã qua cho tâm hồn mình bình ạn hơn.

Về những người bạn đã khuất như Trần Văn Nên, Lê Tuấn Kiệt hay Đàm Hiếu Du, nếu chúng ta không « biết » nhiều về các bạn, chẳng qua chỉ vì như thế.

Trong tâm tình đó, xin một nén nhang lòng cho Nên, cho Kiệt, cho Du.

Lê văn Truyển

Comments closed.